Các bước kiểm tra ôtô đơn giản trước khi đi kiểm định
Lượt xem: 5189

Đăng kiểm ôtô định kỳ không chỉ giúp đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi vận hành, mà còn là quy định pháp luật mà chủ xe ôtô phải tuân thủ.

                                           

Quy trình kiểm định ATKT và BVMT của ôtô được chia làm 05 công đoạn bao gồm nhiều hạng mục kiểm tra. Ngoài một số ít hạng mục hư hỏng chỉ có thể khắc phục ở garage còn lại các hạng mục khác chủ xe có thể tự kiểm tra và khắc phục trước khi vào kiểm định:

1. Kiểm tra toàn bộ lốp xe:

- Kiểm tra độ mòn (dựa vào dấu chỉ báo trên hoa lốp), nứt hoặc phồng rộp của lốp xe.

- Kiểm tra áp suất của toàn bộ lốp trên xe. Canh chỉnh mức áp suất phù hợp theo qui định của nhà sản suất.

2. Kiểm tra hệ thống đèn:

- Kiểm tra sự hoạt động đèn pha, cos: số lượng, cường độ sáng, độ lệch …

- Kiểm tra sự hoạt động, số lượng của các đèn tín hiệu: đèn phanh, báo rẽ, báo nguy, sương mù …

3. Kiểm tra nước làm mát động cơ:

- Kiểm tra mực nước trong bình nước làm mát có còn đảm bảo hay không. Mực nước làm mát tốt nhất là nằm giữa 2 vạch Full/Low in trên thân bình.

4. Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ:

- Kiểm tra mức dầu trên chiếc que thăm nhớt máy (thường đặt cạnh động cơ và có màu vàng) có nằm trong khoảng giữa 2 vạch Max và Min hay không. Nếu nó nằm ngoài 2 vạch đó, chúng ta phải xử lý ngay bằng cách châm thêm hoặc rút bớt ra

- Kiểm tra màu và mùi của dầu bôi trơn động cơ, nếu chúng có màu đen hoặc mùi khét thì phải thay dầu mới.

5. Kiểm tra dầu trợ lực lái và dầu phanh:

Mở nắp các bình dầu phanh và dầu trợ lực lái trong khoang động cơ kiểm tra mực dầu có ở mức cho phép theo qui định của nhà sản xuất.

6. Kiểm tra ắc quy:

- Kiểm tra các điện cực nằm ở phía trên nắp bình: không có hiện tượng chập điện cũng như cháy xém, hoặc chất lỏng rò rỉ từ bên trong bình ra ngoài...

- Kiểm tra đến mực nước bên trong bình ắc quy: theo qui định của nhà sản xuất là nằm giữa 2 vạch Upper và Lower Level (Cao/Thấp) trên bình.

7. Kiểm tra hệ thống phanh:

- Khi đạp phanh nếu có các lỗi bất thường như phát ra tiếng kêu, lực đạp phanh nặng hơn bình thuờng, quãng đường phanh dài hơn bình thường… thì nên đưa xe đến garage để kiểm tra và khắc phục ngay.

- Kéo phanh đỗ kiểm tra xem xe có đứng yên trên mặt dốc 20% hay không.

8. Kiểm tra hệ thống lái:

- Đánh lái nặng: do thiếu, rò rỉ dầu trợ lực lái hoặc bơm trợ lực bị hư hỏng.

- Rò rỉ dầu ở thước lái: do bể phớt thước lái.

- Đánh lái để kiểm tra các đầu rotuyn nếu rơ thì nên xiết lại hoặc thay mới.

9. Kiểm tra tình trạng hoạt động của các hệ thống tổng thành khác:

- Kiểm tra tình trạng các ghế và dây đai an toàn.

- Kiểm tra tình trạng các cửa: tay và các chốt đóng mở, công tắc nâng hạ kính…

- Kiểm tra sự làm việc của gạt nước, phun nước rửa kính.

- Kiểm tra tình trạng hoạt động của các đồng hồ chỉ báo: các đèn tín hiệu, nhớt, nhiên liệu, nhiệt độ động cơ …

Ngoài ra việc thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng sẽ làm hạn chế những hư hỏng nghiêm trọng, làm tăng tuổi thọ của ôtô và an toàn khi lưu thông trên đường.

                                                                         Hoàng Niên Sơn - Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới

Cải cách hành chính
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang