Tích cực triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Có thể nói, năm 2022 là năm triển khai mạnh mẽ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với nhiều kế hoạch cụ thể trên các lĩnh vực. Chuyển đổi số đã từng bước đi vào thực tiễn đời sống xã hội ở ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số).

Từ chỉ đạo triển khai

Trên cơ sở các chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, năm 2022, huyện Tánh Linh xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số. Trước hết là việc xây dựng kế hoạch tổng thể để thực hiện. Đó là kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện về triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp theo đó là việc rà soát, kiện toàn đội ngũ Ban chỉ đạo các cấp, Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp được thành lập trên cơ sở Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, nhiều chương trình, kế hoạch được xây dựng và triển khai thực hiện như: Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản, khu phố; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế; phát triển thương mại điện tử; triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; triển khai “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia… gắn với đó là triển khai phát triển Chính quyền số và cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), mà tập trung là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình).

Để triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể về Chuyển đổi số, ngoài các giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật (như: đầu tư, phát triển hạ tầng, trang thiết bị số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; triển khai, sử dụng nền tảng số…), việc tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện chương trình chuyển đổi số. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn được tập trung triển khai với nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh; qua pa nô, áp phích; sổ tay hướng dẫn; thông báo tham gia lớp đào tạo “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; chuyển tải nội dung Chuyển đổi số qua các nhóm Zalo, các trang fanpage của các cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó, tập trung vào tập huấn, hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các ứng dụng, nền tảng số cho cán bộ, công chức và thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, bản, khu phố.

Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông để triển khai các giải pháp về chuyển đổi số; tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, hướng dẫn cài đặt cửa hàng số để đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử... Trong tháng 8 năm 2022, UBND huyện tổ chức Chương trình tư vấn các giải pháp chuyển đổi số và ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 với VNPT Bình Thuận.

Đến kết quả thực hiện

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính - hay phát triển Chính quyền số được tập trung và đạt được những kết quả tích cực. Các nền tảng số dùng chung được tỉnh đầu tư (như phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, trang Mời họp, Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công,…) tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả phục vụ công tác quản lý, điều hành; giúp cho công việc được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng và giảm chi phí về phô tô, in ấn tài liệu, văn bản… hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và văn phòng “không giấy tờ”. Ngoài ra, các ứng dụng chuyên ngành được các ngành chuyên môn của huyện khai thác và phát huy hiệu quả trong xử lý các công việc chuyên môn. Hiện nay, đang tập trung triển khai số hóa hồ sơ TTHC…

Triển khai thực chủ trương của UBND tỉnh về thực hiện toàn diện, đồng bộ mô hình hướng dẫn người dân gửi hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, huy động Mặt trận và các đoàn thể (nhất là đoàn viên thanh niên) tham gia hỗ trợ cùng với chính quyền cấp xã.

Cộng với đó là chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người dân thao tác trên các thiết bị, các ứng dụng, phần mềm số. Ngoài việc chuyển tải, phổ biến tài liệu, các lớp học tập cộng đồng tại Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://onetouch.mic. gov.vn/), huyện đã tổ chức 06 lớp tập huấn về chuyển đổi số với khoảng 400 cán bộ, công chức, viên chức và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, bản, khu phố tham dự. Qua đó, tỷ lệ phát sinh hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong thời gian qua nâng lên.

Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06), đã cấp mã định danh điện tử trên 10 ngàn trường hợp. Hiện nay, đang tập trung mạnh mẽ việc cấp mã định danh điện tử mức độ 2.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đã triển khai hướng dẫn, khuyến khích các trường sử dụng hồ sơ điện tử. 100% các trường phổ thông đã sử dụng hệ thống Vnedu; 95% trường THCS đã xây dựng hệ thống lưu trữ giáo án một cách khoa học, bảo mật. Tổ chức tập huấn triển khai chuyển đổi số và thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Triển khai các kế hoạch, hướng bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Lĩnh vực y tế, hiện nay đang ứng dụng phần mềm VNPT-HIS vào khám chữa bệnh phục vụ trung bình một năm có khoảng 180.000 lượt bệnh nhân khám và hơn 13.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện. Sử dụng dữ liệu dân cư trong việc khám bệnh, chữa bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế. Quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử bằng phần mềm HER.

Chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp được triển khai tích cực, các ngành chuyên môn, các hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp đã được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các phần phềm hỗ trợ Chuyển đổi số như: Nhật ký sản xuất điện tử; tạo mã QRCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thống kê, quản lý chi phí; nghiệp vụ kế toán hợp tác xã.

Phát triển thương mại điện tử cũng được quan tâm, huyện đã chủ động mời Bưu điện tỉnh làm việc để hướng dẫn cho hộ nông dân quảng bá và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart (đã hướng dẫn trực tuyến cho 20 đoàn viên thanh niên; trong thời gian tới tiếp tục tổ chức hướng dẫn trực tiếp cho các hộ nông dân).

Bên cạnh kết quả bước đầu như đã đề cập, quá trình thực hiện Chuyển đổi số vẫn còn những khó khăn, nhất là việc thay đổi thói quen và khả năng, tâm lý e ngại trong tiếp cận các ứng dụng công nghệ số, nhưng với sự quyết tâm trong triển khai của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân huyện nhà, chúng ta có niềm tin rằng, huyện Tánh Linh sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số - và Chuyển đổi số sẽ mang lại những giá trị thiết thực, góp phần phát triển kinh tế  - xã hội của huyện nhà trong thời gian tới./.

                                                                                                                        Anh Thoại

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang