Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV
(binhthuan.gov.vn) Tiếp tục chương trình phiên làm
việc ngày thứ nhất (14/10), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ
XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tập trung tham luận tại hội trường với nhiều nội
dung quan trọng.
Đa số các ý kiến thảo luận đều thống nhất cao với Báo
cáo chính trị và các báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ khóa XIII trình tại Đại
hội. Theo đó, các văn kiện đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 -
2020 chuẩn bị chu đáo, công phu; nội dung, bố cục có sự đổi mới trong cách thể
hiện, vừa toàn diện, vừa súc tích, rõ ràng, cụ thể, đánh giá đúng mức tình hình
mọi mặt của Đảng bộ, những kết quả và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong
nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã góp ý làm sâu sắc hơn những
kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế, khuyết điểm và những bài học
kinh nghiệm; đồng thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề ra những giải pháp
để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Tám -
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho nhận định: Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ
có ý nghĩa rất quan trọng, phải được tiến hành kiên trì, quyết tâm và phối hợp
đồng bộ, chặt chẽ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; lấy phát hiện là quan
trọng, cấp bách. Để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phòng, chống tham
nhũng, cần phải đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền,
giáo dục tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ,
đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, nhất là nâng cao trên cả 03
mặt: Nhận thức; thực hiện các biện pháp phòng ngừa; phát hiện kịp thời và xử lý
nghiêm minh đối với vụ việc, vụ án tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ
đạo tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; tăng cường quản lý
nhà nước trên các lĩnh vực. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, trước hết
tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: Quản lý đất
đai, khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, rừng, môi trường, quản lý tài
chính, tài sản công…
Về
phía Đảng đoàn HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND
tỉnh bày tỏ sự quan tâm về các giải pháp nhằm phát triển kinh tế tỉnh trong
thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là chú trọng phát triển công nghiệp theo
hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào
lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, lĩnh vực nghiên cứu đổi mới, sáng
tạo. Xây dựng, phát triển mạnh hệ thống doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp
công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương
mại để giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Song song, quan tâm
đầu tư phát triển toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ
nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất cây lương thực, cây
ăn quả, nhất là cây thanh long để gia tăng năng suất và sản lượng. Khuyến
khích, thu hút các dự án chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là chế biến thanh
long thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm....
Về
giải pháp đột phá để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông
lâm thủy sản trong thời gian tới, ông Hà Lê Thanh Chung - Phó Giám đốc Sở Công
thương cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành công nghiệp của tỉnh phát
triển chưa đồng bộ, tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghiệp năng lượng; công
nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp khai khoáng phát triển chậm. Cùng
đó, đa số các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động
trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chưa có nhiều
sản phẩm mới, khả năng cạnh tranh còn gặp nhiều khó khăn đối với thị trường
trong nước và bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật trong thương mại trong xuất
khẩu…
Để
tháo gỡ các vướng mắc hiện nay nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp, nhất
là công nghiệp chế biến của tỉnh ngày càng bền vững hơn, theo ông Hà Lê Thanh
Chung, cần tập trung phát triển công nghiệp, hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm
công nghiệp, các công trình truyền tải điện, điện gió, điện mặt trời, khoáng
sản gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát sửa đổi, bổ sung, xây
dựng mới các cơ chế, chính sách đồng bộ theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa để
khuyến khích thu hút đầu tư và khai thác tốt các nguồn lực phục vụ phát triển
sản xuất công nghiệp. Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút
đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên đầu tư nâng cao giá trị sản
phẩm nông, lâm, thủy hải sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế của địa phương
phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đẩy
nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông, sân bay, cảng
biển,...
Tham
luận liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở
Nông nghiệp và PTNT đã nêu các giải pháp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với
trọng tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao,
gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó nhấn mạnh giai đoạn 2021 - 2025, phải
xác lập được các vùng sản xuất tập trung đối với cây, con chủ lực, lợi thế.
Trên cơ sở đó, xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây
dựng đề án phát triển vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa
bàn có điều kiện thuận lợi. Xây dựng phương án phát triển hạ tầng thủy lợi,
thủy sản và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, đề xuất đưa vào đầu tư công trung hạn
phục vụ chiến lược, phát triển tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp
hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông thôn bền vững.
Ngoài
ra, ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt
và khả năng chống chịu cao. Áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp,
VietGAP đối với cây trồng chủ lực như thanh long, điều, lúa, bắp, một số cây ăn
quả và cây có giá trị kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất
lượng, an toàn và hiệu quả. Quan trọng nữa là cần thực hiện tốt các chính sách
tín dụng, khuyến khích, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Xác
định các vùng có tiềm năng thế mạnh để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp,
các hợp tác xã và người dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất…
Bàn
giải pháp để phát triển mạnh mẽ du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn
trong thời gian đến, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và
Du lịch cho rằng: Du lịch Bình Thuận phải có những giải pháp kịp thời như: Cải
thiện môi trường đầu tư; cải cách mạnh thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế,
chính sách theo hướng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nhất là các nhà đầu tư
chiến lược, các tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp; đầu tư các dự án du
lịch mang tính đặc trưng, những tổ hợp du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể
thao biển có quy mô lớn, chất lượng cao ở tỉnh.
Về
mặt quản lý nhà nước, cần cơ cấu lại ngành du lịch dựa theo 6 nhóm vấn đề gồm:
Xác định thị trường, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu nguồn nhân lực, cơ cấu hệ thống
doanh nghiệp, cơ cấu nguồn lực tài nguyên du lịch, cơ cấu hệ thống quản lý sản
phẩm. Cần tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; kêu gọi đầu tư xây dựng
các bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí, mua sắm ngoài trời, trung tâm hội
nghị triễn lãm..., các tuyến đường nối vào khu du lịch quốc gia. Cùng với đó,
tăng cường quản lý đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, ứng xử thân
thiện, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội. Phát triển,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng yêu cầu trước mắt và
lâu dài…
Ngoài
ra, các ý kiến tham luận cũng đã phân tích, làm sáng rõ, sâu sắc hơn và bổ sung
nhiều nội dung quan trọng đối với từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là các nội
dung về 03 đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế
theo hướng phát triển bền vững; đảm bảo an sinh xã hội; đổi mới phương thức,
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; lĩnh vực du lịch, nông
nghiệp, nông thôn, an ninh quốc phòng…, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngày
mai (15/10), Đại hội sẽ tiếp tục làm việc với các nội dung chính: Thảo luận Đề
án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu BCH Đảng bộ
tỉnh; tiếp tục thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ
tỉnh khóa XIII, dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV và dự thảo Chương trình
hành động của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV…
TT
Dân - Ảnh: Hữu Tri