Chính sách khuyến khích và tôn vinh tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 1368


(binhthuan.gov.vn) Sáng 18/11, Kỳ họp thứ 11 (chuyên đề) - HĐND tỉnh (khóa XI), nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, 100% đại biểu dự họp đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chính sách khuyến khích và tôn vinh tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết này quy định chính sách khuyến khích và tôn vinh cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, học viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh (ngoài chế độ, chính sách khen thưởng của Trung ương) khi được phong tặng danh hiệu, khi tham gia và lập thành tích hoặc đoạt giải cao theo quy định, khi có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Theo đó, hình thức, đối tượng và mức chi khuyến khích, đối với người được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân được khuyến khích một lần là 18,5 triệu đồng và chỉ được hưởng 01 lần mức chi khuyến khích. Đối với người được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú, khuyến khích một lần là 13,5 triệu đồng; chỉ được hưởng 01 lần mức chi khuyến khích.  

Vận động viên của tỉnh được cử tham gia và lập thành tích tại các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế; huấn luyện viên trưởng trực tiếp đào tạo vận động viên tại tuyến tỉnh trước khi tham gia đội tuyển Quốc gia lập thành tích tại các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế, mức khuyến khích theo thành tích đạt được; được hưởng mức chi khuyến khích khi đạt thành tích.

Học sinh, sinh viên, học viên của tỉnh được cử tham gia và đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế: Mức khuyến khích theo từng thành tích; được hưởng mức chi khuyến khích khi đạt thành tích.

Về hình thức, đối tượng và mức chi tôn vinh, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; học sinh, sinh viên, học viên và Nhân dân đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được xướng danh trong Hội nghị tôn vinh do UBND tỉnh tổ chức. Các đối tượng trên được tặng Biểu tượng tôn vinh, kèm theo tiền được tôn vinh là 25 triệu đồng; được ghi tên trên Bảng vàng danh dự của tỉnh và thông báo bằng hình thức phù hợp để Nhân dân biết.

Hội nghị tôn vinh sẽ được tổ chức 05 năm/lần (cùng với Hội nghị thi đua yêu nước). Trong trường hợp đặc biệt, UBND tỉnh quyết định thời điểm tôn vinh để đảm bảo tính kịp thời. Thành tích tôn vinh chỉ thực hiện một lần, không dùng để xét tôn vinh các lần tiếp theo.

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh. Đối với nguồn tài trợ, đóng góp thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân đã tài trợ, đóng góp và đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cũng tại Kỳ họp chuyên đề lần này, đại biểu HĐND tỉnh cũng thống nhất thông qua Nghị quyết Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Nghị quyết này quy định về Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm: Chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, về Chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển gồm bắp giống, lúa giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt hàng thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản gồm lúa thương phẩm và bắp lai thương phẩm.

Định mức đầu tư ứng trước đối với bắp lai, tính theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa 03 ha/hộ/vụ. Nội dung đầu tư gồm: Chi phí làm đất sẽ tính theo giá thị trường; giống bắp lai 15 kg/ha; phân bón các loại 550 kg/ha; thuốc bảo vệ thực vật 08 kg (hoặc 08 lít)/ha.

Đối với lúa nước, tính theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa 02 ha/hộ/vụ. Nội dung đầu tư gồm: Chi phí làm đất, tính theo giá thị trường; giống lúa 160 kg/ha; phân bón các loại 550 kg/ha; thuốc bảo vệ thực vật 04 kg (hoặc 04 lít)/ha.

Về Chính sách khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Hạn mức diện tích rừng nhận khoán bảo vệ dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng không quá 30 ha/hộ. Riêng đối với các trường hợp đang thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt có hạn mức khoán trên 30 ha/hộ thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ được duyệt và được thực hiện theo định mức kinh phí của chính sách này.

Diện tích rừng nhận khoán bảo vệ được hỗ trợ tính theo diện tích rừng thực nhận khoán bảo vệ, trừ diện tích đã được nhận tiền khoán bảo vệ từ các nguồn khác (như nguồn thu dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, nguồn vốn thực hiện chính sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Diện tích hỗ trợ khoán bảo vệ rừng không vượt quá hạn mức nhận khoán tại khoản này.

Về định mức kinh phí, tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 là 200.000 đồng/ha/năm; từ năm 2023 trở đi là 300.000 đồng/ha/năm. Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng. Chi phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/5 năm.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1