Tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

(binhthuan.gov.vn) Sáng
ngày 30/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương
trong tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của
Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật
trong thời kỳ mới. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành
liên quan.
Qua 15 năm triển khai thực hiện
Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh đã có bước phát
triển mới, đạt được nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và
hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai
trò, vị trí, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng và sự nghiệp
phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả hoạt động văn học, văn nghệ, bảo tồn,
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, định hướng phát
triển văn học, nghệ thuật đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của
Nhà nước.

Để đạt được kết quả trên, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Chương trình hành động số 21-NQ/TU, trong đó đề
ra 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết
số 23-NQ/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và ban hành nhiều văn bản liên
quan lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật
ngày càng được tăng cường, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận
lợi và khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy năng lực, tư duy sáng tạo, tự do sáng
tác.
Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng
phát triển về số lượng và chất lượng. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có 6 Phân hội
và 8 Chi hội văn học nghệ thuật huyện, thị xã, thành phố. Số lượng hội viên từ
188 hội viên tăng lên 242 hội viên, trong đó có 60 hội viên Trung ương, 3 nghệ
sĩ Nhân dân và 4 nghệ sĩ ưu tú. Nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, nhóm văn thơ, đờn
ca tài tử, nhảy dân gian đương đại,... được thành lập, tạo ra sân chơi, giải
trí cho các tầng lớp Nhân dân yêu thích nghệ thuật tham gia, phục vụ nhu cầu hưởng
thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật
trên địa bàn tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Công tác sưu tầm, bảo
tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc
được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai
thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên
nghiệp tuy có bước phát triển mới, nhưng chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác,
quảng bá tác phẩm mới có chất lượng. Số lượng tác phẩm phát hành khá nhiều,
nhưng số lượng tác giả, tác phẩm có sức thu hút công chúng chưa nhiều…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh, văn học
nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt quan trọng và tinh tế của con người, là một
trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của
xã hội và phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Để xây dựng và phát triển văn hóa,
văn học nghệ thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành nâng
cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vai trò của văn học nghệ thuật nói chung và
văn hóa con người Việt Nam nói riêng. Nâng cao sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu quả
quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên ngành, chính quyền các cấp đối với hoạt động
văn hóa, văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển đội ngũ văn nghệ
sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời
gian tới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cán bộ làm công tác văn
hóa, nghệ thuật và đội ngũ cán bộ kế thừa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng
đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đồng thời phải phát huy
hiệu quả các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, trang bị. Tiếp tục cải tiến, đổi
mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức hoạt động của Tạp chí Văn nghệ
Bình Thuận, nâng cao chất lượng của Giải thưởng Dục Thanh (05 năm/01 lần). Tạo
điều kiện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật
có chất lượng cao đến với công chúng. Ngoài ra, quan tâm kiện toàn tổ chức và
hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các phân hội, chi hội ở các địa
phương; làm tốt công tác phát triển hội viên đông về số lượng, vững về chất lượng.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn bố trí
cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ
chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tâm huyết với nghề hoàn
thành tốt nhiệm vụ.
TT Dân