Ứng phó với gió mạnh, vùng áp thấp có khả năng hình thành trên biển Đông
Lượt xem: 1913

(binhthuan.gov.vn) Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm ngày 19/11, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, 8, sóng biển cao từ 2-3,5m, biển động. Ngoài ra, rãnh áp thấp ở phía Nam có trục ở khoảng 7-10 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 01 giờ 00 ngày 21/11 có vị trí ở khoảng 8,5-9,5 độ Vĩ Bắc; 107,5-108,5 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực phía Nam của Biển Đông nên trong ngày và đêm ngày 21/11, phía Nam vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2.

Do ảnh hưởng của sóng lớn, khu vực ven biển các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Phú Quý và thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi khả năng xảy ra sạt lở bờ biển. Từ ngày 21/11 đến đêm 22/11, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Để chủ động ứng phó với gió mạnh, vùng áp thấp có khả năng hình thành trên biển Đông và mưa lớn; bảo đảm an toàn về người, tài sản và các phương tiện hoạt động, đánh bắt hải sản trên biển, giảm thiểu thiệt hại, sóng lớn tác động gây sạt lở bờ biển và mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo, diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển, để chủ động các biện pháp ứng phó, phòng tránh.

Cùng với đó, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực hay bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực dân cư, các khu du lịch ven biển, làng nghề truyền thống, khu di tích lịch sử,... để thông báo cho người dân biết, chủ động ứng phó, sơ tán kịp thời người và tài sản khi sạt lở xảy ra. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, vật tư, trang thiết bị để kịp thời tham gia ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng biết để chủ động ứng phó, phòng tránh kịp thời.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1