Bình Thuận tập trung phát triển hệ thống thủy lợi quan trọng
Lượt xem: 7028

(binhthuan.gov.vn) Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, hàng năm hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Để mở lối ra cho nông nghiệp phát triển, thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Bình Thuận đã hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối quan trọng, đưa nguồn nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn.

Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế Wthiết kế = 330,29 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 36.367 ha. Những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, đã góp phần tác động hiệu quả thiết thực đến sản xuất như: Dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, hồ Sông Dinh 3; hoàn chỉnh hệ thống kênh cấp 3 dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết phát huy hiệu quả tưới 10.500 ha, trạm bơm khu Lê Hồng Phong cấp nước cho 1.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, du lịch 0,922m3/s…

Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả những công trình thủy lợi, tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng” chuyển nước tới những khu vực khô hạn, hoặc bổ sung nguồn nước cho các hồ thủy lợi thường xuyên cạn kiệt vào mùa khô. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 hệ thống thủy lợi nối mạng đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả, gồm các kênh chuyển nước như: Kênh Cà Giây - Cây Cà tưới 1.500 ha, kênh tiếp nước hồ Đá Bạc tưới 650 ha, kênh chuyển nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều, đập Suối Đó và hồ Núi Đất tưới ổn định 1.580 ha, kênh tiếp nước Lòng Sông - Đá Bạc; kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập …

Từ khi các công trình thủy lợi đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực, những vùng đất khô cằn của các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc… đã nhanh chóng hồi sinh. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành công từ việc đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi không chỉ giúp địa phương chủ động tưới cho diện tích canh tác mà còn góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp qua đó tạo công ăn việc làm và tăng cao thu nhập cho người dân. Hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, sản lượng lương thực tăng liên tục hằng năm. Năm 2005, sản lượng lương thực của Bình Thuận chỉ đạt gần hơn 400.000 tấn, đến năm 2019 tăng lên hơn 800.000 tấn, năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Lũy tại 02 xã: Phan Sơn và Phan Lâm, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có dung tích gần 100 triệu m3, với mục tiêu cấp nước cho 24.200 ha đất canh tác của các huyện phía Bắc tỉnh gồm: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch cho Trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/giây, kết hợp phát điện. Thời điểm này, đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để đến ngày 30/9/2020 có thể tích nước và hoàn thành đưa vào sử dụng trước 31/12/2020.

Bên cạnh đó, vào ngày 26/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14 quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Hồ Ka Pét với tổng mức đầu tư dự án là 585,647 tỷ đồng, dung tích tích thiết kế hơn 50 triệu m3 sẽ là một trong những hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Khi được đầu tư xây dựng Dự án Hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và vùng phía Nam của Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án hồ chưa nước La Ngà 3 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với khu vực phía Nam của Bình Thuận, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước La Ngà 3 với dung tích khoảng 476 triệu m3 để cấp nước tưới cho khoảng 60.165 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt 300.000 m3/ngày là hết cần thiết và cấp bách nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất khu vực phía Nam tỉnh trong thời gian qua.

Có thể thấy, cùng với nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn tham gia vào việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh. Những công trình thủy lợi đã và đang có vẫn luôn là “bệ phóng” cho ngành nông nghiệp Bình Thuận phát triển trong giai đoạn mới, cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở Bình Thuận phát triển trong những năm tới./.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1