Người dân, doanh nghiệp trồng thanh long cần sản xuất theo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu
Lượt xem: 1356

(binhthuan.gov.vn) Để giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về việc cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu, phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh đã phỏng vấn ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật về vấn đề này.

Xin ông cho biết mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là gì?

Trong những năm gần đây, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đang được các nước nhập khẩu rất quan tâm và là một trong những tiêu chí bắt buội phải có đối với một số nông sản xuất khẩu, nhất là các mặt hàng là hoa quả tươi.

Ở nước ta, mã số vùng trồng bắt đầu có từ năm 2008 khi Bộ Nông nghiệp của Hoa Kỳ yêu cầu đối với một số mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải có mã số vùng trồng nhằm đảm bảo đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, là việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Tuy nhiên, lúc đó nước ta vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các mặt hàng nông sản. Đến năm 2018, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc có yêu cầu tất cả các lô hàng trái cây tươi nhập khẩu vào Trung Quốc phải có mã số vùng trồng và mã số của nhà đóng gói, lúc này các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động xuất khẩu mới thực sự quan tâm đến mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Sau gần 4 năm thực hiện việc cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói, nước ta đã có những kết quả gì thưa ông?

Sau gần 4 năm (từ năm 2018 – 2022) các cơ quan chức năng đã thực hiện việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, đến nay số lượng vùng trồng đã được cấp của nước ta là hơn 5.000 mã số cho các vùng trồng và hơn 1.000 mã số cho cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc…

Tại Bình Thuận, đến nay đã có 574 mã số vùng trồng được cấp và 287 mã số cơ sở đóng gói được cấp để xuất khẩu nông sản sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Trung Quốc.

Mặc dù công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời, cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này, do đó tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực.

Bên cạnh đó, công tác giám sát mã số các vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu; tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật có khuyến cáo gì đối với thanh long xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận?

Tỉnh Bình Thuận cần xác định vai trò quan trọng của việc cấp mà số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, trong đó tiêu chí về vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng cần tập trung thực hiện theo Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Có thể nói, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương chung tay để phục vụ xuất khẩu nông sản của nước ta đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.

Để tập trung nguồn lực hỗ trợ và hướng dẫn tỉnh Bình Thuận thực hiện thiết lập, quản lý các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần hiểu rõ việc muốn xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thuận lợi, tăng thu nhập thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu. Do đó, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điều kiện bắt buộc thực hiện để truy xuất nguồn gốc nông sản; đồng thời, khi thực hiện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, từ đó người dân thực hiện tốt hơn quy trình sản xuất trên cánh đồng của mình và tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Để thực hiện chuyển đổi số trong việc cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật có hỗ trợ gì thưa ông?

Cục Bảo vệ thực vật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói các sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu. Cục Trồng trọt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói các loại cây trồng tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, sắp xếp hệ thống hóa dữ liệu, tập huấn kiến thức chuyển giao cho Chi cục Trồng trọt các tỉnh, thành phố cùng thực hiện quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm truy xuất, trao đổi dữ liệu, kiểm tra, giám sát nông sản…..

Việc thực hiện đưa nhật ký điện tử vào sử dụng đóng vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ gốc. Hệ thống này sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói góp phần giúp cho quản lý tốt sản phẩm từ vùng trồng đến nhà đóng gói và nước nhập khẩu; đồng thời, giúp các cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu có thể tra cứu thông tin của các vùng trồng trọt một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số, số hóa mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói giúp người dân dự báo được tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có thể sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp nhằm tiêu diệt sâu bệnh gây hại nhưng không vượt quá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng của các nước nhập khẩu.

Với đà phát triển của công nghệ 4.0 như hiện nay, thực hiện chuyển đổi số trong việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, đến các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Phương

 

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1