Nhiều doanh nghiệp của tỉnh sẽ có cơ hội tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài

(binhthuan.gov.vn) Sở
Công thương vừa có Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt
Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 của UBND tỉnh
Kế hoạch nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu
trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những mặt
hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thủy sản, nông sản và hàng may mặc. Phấn đấu
đến năm 2030, hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận được xuất khẩu trực tiếp vào tất
cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc
Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Qua đó, góp phần
làm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ
đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu
tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu
có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Theo đó, trong thời gian tới Sở Công
thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương trên
địa bàn tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường. Trong đó, tập
trung cung cấp, phổ biến cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của
tỉnh về tình hình thị trường, các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn
quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng
của các hệ thống phân phối nước ngoài. Cung cấp thông tin, phổ biến chính sách
của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước để kịp
thời nắm bắt, có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tiêu chí, yêu cầu để
trở thành nhà cung ứng cho các mạng phân phối nước ngoài. Xây dựng hệ thống
thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của tỉnh để cung
cấp cho khách hàng nhập khẩu. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống các doanh nghiệp
cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu
nước nhập khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực
cung ứng cho thị trường nước ngoài bằng cách tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp
áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu lợi thế
từ chính sách khuyến công để nâng cao năng suất chất lượng và tăng sức cạnh
tranh của sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển
đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững, nhất là nâng cao ý thức của
doanh nghiệp trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn
nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng
cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến
khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, đặc biệt
là ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu với các
tập đoàn phân phối; khuyến khích chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng
trong quá trình sản xuất.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát
triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng; đưa các sản phẩm xuất khẩu
chủ lực của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử. Phối hợp với
các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuỗi
cung ứng trong và ngoài nước.
Tổ chức hoạt động kết nối, giao thương
với các mạng phân phối nước ngoài, trong đó ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu
ngành hàng có thế mạnh của tỉnh như nông, lâm, thủy sản, có giá trị gia tăng
cao và các mặt hàng xuất khẩu mới; đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức
xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương
hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và tham gia vào những
khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyễn Phương