Phát triển chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm
Lượt xem: 4008


(binhthuan.gov.vn) Thành phố Phan Thiết nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên trù phú, nơi vùng biển đầy nắng gió được mệnh danh là “Thủ đô resort” của Việt Nam. Bên cạnh đó, điều đặc biệt để du khách nhắc đến Phan Thiết còn là vì hương vị nước mắm nơi đây.

Nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở Phan Thiết đã ra đời trên 200 năm nay. Nước mắm được sản xuất theo phương pháp cổ truyền độc đáo, kết hợp với khí hậu phù hợp với nghề chế biến nước mắm (nắng nhiều, mưa ít, nóng, gió nhiều, độ ẩm thấp) và đặc điểm nguồn nguyên liệu (cá nục, cá cơm)… Tất cả tạo nên màu sắc, mùi, vị đặc trưng của nước mắm Phan Thiết (màu vàng rơm đến cánh gián, trạng thái cẩn trong sánh, có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt đậm do đạm cao). Nhờ vậy, nước mắm Phan Thiết trở nên nổi tiếng và trở thành một trong những đặc sản của Bình Thuận được nhiều người tiêu dùng cả nước ưa thích hàng trăm năm nay.

Hiện nay, tại thành phố Phan Thiết có khu vực tập trung nghề làm nước mắm lâu đời như: Thanh Hải, Phú Hài, Đức Thắng và Hàm Tiến - Mũi Né. Các sản phẩm sản xuất, đóng chai tại Phan Thiết, đáp ứng các điều kiện quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được phép gắn tem, nhãn chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2007, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Quyết định ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia tên gọi xuất xứ hàng hóa “Phan Thiết” là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam cho sản phẩm nước mắm sản xuất tại thành phố Phan Thiết.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết theo Quyết định số 364/QĐ-SHTT ngày 30/5/2007 và đến năm 2020 đã được Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi thông tin là Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Phan Thiết cho sản phẩm nước mắm. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phan Thiết cho sản phẩm nước mắm.

Không chỉ được bảo hộ trong nước, nước mắm mang nhãn hiệu “Phan Thiết” còn được bảo hộ tại ba quốc gia: Hoa Kỳ, Thái Lan và Campuchia. Tính đến nay, có 63 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm. Đây cũng như “giấy thông hành” cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bà Mai Thanh Nga - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, từ khi nước mắm Phan Thiết được mang chỉ dẫn địa lý người sản xuất, kinh doanh đã thực sự thay đổi nhận thức, chú trọng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và gìn giữ thương hiệu.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 02 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu 251.400 USD, tương đương với 95.390 tấn nước mắm. Riêng 10 tháng đầu năm 2022, ước thực hiện 24.600 USD, tương đương 9.200 tấn nước mắm. Thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản và Philippines. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, số lượng xuất khẩu hàng năm chưa nhiều.

Theo Sở Công thương, để hỗ trợ tiêu thụ nước mắm Phan Thiết, thời gian qua, Sở đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức, hỗ trợ Hiệp hội nước mắm Phan Thiết và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm đến đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Mặt khác, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua hình thức tham gia hội chợ, triển lãm và thực hiện các chương trình khảo sát thị trường, gặp gỡ đối tác… nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác bạn hàng, phát triển thị trường, khẳng định thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động ổn định, một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống chưa quan tâm đến sản xuất loại nước mắm có chất lượng cao, được đóng chai để cung cấp cho thị trường, chưa quan tâm xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm củng cố, nâng cao uy tín nước mắm Phan Thiết.

Mới đây, tại hội nghị quản lý và thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để thương hiệu nước mắm truyền thống Phan Thiết phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo bà Ngô Minh Uyên Thảo, Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh, giữ gìn thương hiệu nước mắm Phan Thiết, nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phan Thiết trên thị trường trong và ngoài nước cần sự hợp sức nỗ lực của tất cả cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Quan trọng hơn hết vẫn chính là sự nỗ lực từ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm và Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, vì chất lượng, uy tín và thương hiệu nước mắm Phan Thiết được quyết định bởi chính mỗi nhà sản xuất, chế biến nước mắm tại địa phương.

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các tổ chức, cá nhân sản xuất nước mắm cần tạo dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý trở thành một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn; hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) từ 3 - 4 sao.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm tiếp cận, thực hiện hiệu quả các chính sách khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ kỹ thuật để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước mắm trên địa bàn thành phố Phan Thiết đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xác nhận nội dung quảng cáo nước mắm mang chỉ dẫn địa lý.

Mặt khác, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho nước mắm; việc cấp phát, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín thương hiệu nước mắm “Phan Thiết”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý nước mắm “Phan Thiết” trong và ngoài nước.

Việc xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội đối với người dân Phan Thiết; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm phát triển kinh doanh, đồng thời dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. Không chỉ góp phần nâng cao nâng cao chất lượng sản phẩm, gìn giữ và phát triển danh tiếng của một sản phẩm truyền thống, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý còn góp phần chống lại các hành vi lợi dụng danh nghĩa Phan Thiết để bán các sản phẩm nước mắm ở nơi khác…

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1