Điều dưỡng viên - Những người thầm lặng vì bệnh nhân
Lượt xem: 3400

(binhthuan.gov.vn) Có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh, công tác điều dưỡng chiếm phần lớn lao động trong các bệnh viện. Thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, các điều dưỡng viên đã chứng tỏ là nhân lực có đóng góp quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe, sinh mạng của người dân vì vậy trong lĩnh vực y tế không có công việc nào là nhàn hạ. Ở mỗi đặc thù chuyên môn riêng, chỉ có khó khăn hơn và vất vả hơn; đặc biệt là lực lượng điều dưỡng viên. Không quá để nói rằng, đây là nghề làm dâu trăm họ, bởi không chỉ thực hiện các y lệnh của bác sĩ, mà các điều dưỡng viên còn thực hiện những công việc không tên trong quá trình gắn bó chăm sóc, theo dõi sức khỏe người bệnh.

Vất vả, khó nhọc là thế, nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc, đội ngũ điều dưỡng viên luôn hết lòng chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất, cùng y, bác sĩ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.      

Điều dưỡng viên - nghề làm dâu trăm họ

Ngày cũng như đêm, Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn sáng đèn. Tại đây, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên luôn tất bật với guồng quay công việc. Với 06 năm tuổi nghề, điều dưỡng viên Vũ Thị Hiền đã tự rèn được khả năng thích ứng và tâm lý sẵn sàng cho những ca trực đêm cùng bệnh nhân, bởi đây đây là khoa đặc biệt của bệnh viện - nơi tiếp nhận, điều trị những người bệnh nặng nhất từ các khoa khác chuyển đến, hay từ các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên. Mỗi một điều dưỡng như chị Hiền cùng lúc phải chăm sóc toàn diện cho từ 04 đến 05 bệnh nhân, chưa kể thường xuyên phải toàn lực song hành cùng bác sĩ thực hiện các ca cấp cứu khi cần thiết.

Chia sẻ về công việc của mình, điều dưỡng viên Vũ Thị Hiền, cho biết:  “Khi mà bệnh nhân được bình phục trở lại. Tụi em cảm thấy rất là vui mừng khi thành quả của mình đã giúp một phần nào đó để bệnh nhân hồi phục”.

Lấy người bệnh làm trọng, sức khỏe bệnh nhân làm mục tiêu trở thành phương châm nghề nghiệp của người điều dưỡng viên. Không chỉ thực hiện đầy đủ các y lệnh của bác sĩ, làm việc theo ca, kíp, thậm chí trái giờ, tuy nhiên họ lúc nào cũng phải tỉnh táo để ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp, đặc thù.

Điều dưỡng trưởng Trần Thị Mỹ Hạnh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Mặc dù trực rất là vất vả, có khi phải thức cả đêm. Nhưng mà, khi sáng ra giao ban, biết được bệnh nhân khỏe mạnh, không có bệnh theo dõi. Tụi em về nhà rất yên tâm và cảm thấy hạnh phúc”.

Vẫn biết theo đuổi nghề y là vất vả, thường xuyên phải trực và đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng yêu và quyết tâm gắn bó với nghề, những người làm công tác điều dưỡng đã và đang góp một phần không nhỏ vào nỗ lực điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thạc sĩ điều dưỡng Phạm Thị Thu Dung, Trưởng Phòng điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, bộc bạch: “Tất cả anh chị em điều dưỡng trong bệnh viện đều có lòng yêu nghề, cố gắng bám trụ với nghề. Đồng thời, mọi người luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tính chủ động, phối hợp của người điều dưỡng”.

Ngoài công việc y tế chuyên môn, mỗi điều dưỡng viên còn giữ thêm vai trò của những chuyên gia tâm lý, giúp bệnh nhân giải quyết những vướng mắc và xử lý hàng tá công việc không tên bên cạnh công tác chuyên môn của mình. Thêm nữa, sau giai đoạn căng mình chống dịch, những biến động của ngành y tế cả nước nói chung, ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng bởi công việc của họ không chỉ trong phạm vi 08 tiếng hành chính mỗi ngày.

Đề cập về công tác điều dưỡng và những chính sách để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận Đặng Thức Anh Vũ, cho biết: “Để quyết định việc điều trị có thành công hay không, là nhờ một phần rất lớn của công tác điều dưỡng. Từ việc dùng thuốc như thế nào, chăm sóc tích cực ra sao, chăm sóc toàn diện ra sao, cho đến dinh dưỡng, vật lý trị liệu. Nói chung, vai trò của người điều dưỡng hết sức quan trọng. Chúng tôi hi vọng, trong thời gian đến, với những chính sách thay đổi từ phía Trung ương và địa phương, sẽ tạo ra môi trường làm việc, cơ hội học tập tốt hơn. Từ đó, hi vọng công tác điều dưỡng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian đến”.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án đổi mới chính sách điều dưỡng, hướng đến chăm sóc toàn diện, giai đoạn 2022 - 2030, nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng. Ngoài ra, các chính sách miễn giảm học phí, tạo điều kiện việc làm - cũng được kiến nghị, để ngành điều dưỡng thu hút nhiều sinh viên theo học. Với những kiến nghị này, kỳ vọng bài toán thiếu nhân lực điều dưỡng sẽ được giải quyết.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, đội ngũ điều dưỡng đã chứng tỏ là nhân lực có đóng góp quan trọng

Có thể nói điều dưỡng nắm vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo kết quả công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Mặc dù công việc khó nhọc, những điều dưỡng viên vẫn thầm lặng ngày đêm đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ, góp sức mình trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân./.

Hữu Tri

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1