Tăng cường thay đổi nhận thức về cân bằng giới tính
Lượt xem: 2332

(binhthuan.gov.vn) Bình Thuận là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh tăng giảm không ổn định qua các năm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao đang là thách thức lớn đối với ngành y tế, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội.

Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh tác động đáng kể đến cấu trúc nhân khẩu học và hệ lụy xã hội là nam giới khó tìm bạn đời để kết hôn; và một số ngành nghề thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động. Do đó, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tại Bình Thuận, trong những năm qua, nhờ tích cực triển khai công tác tuyên truyền trực tiếp của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cũng như thông qua các kênh truyền thông mà nhận thức của người dân về giới tính và quan niệm “có con trai nối dõi tông đường” đã dần thay đổi, góp phần đáng kể vào việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn.

Với đặc thù công việc là tài xế, thường xuyên vắng nhà, tuy nhiên anh hoàn toàn yên tâm khi mọi việc trong gia đình - nội ngoại hai bên được chu toàn, con cái học hành chăm ngoan. Không khó để cảm nhận niềm tự hào của anh Lê Văn Phi, (người dân tại phường Đức Long, thành phố Phan Thiết) khi kể về hai cô con gái học giỏi, ngoan ngoãn, từ nhỏ đã biết phụ giúp mẹ cha đỡ đần việc nhà. Kết hôn năm 2005, sinh con gái đầu lòng; rồi bé gái thứ hai chào đời. Tuy nhiên với vợ chồng anh Phi, con cái còn là cái duyên, con sinh ra khỏe mạnh, lớn thì biết vâng lời, chăm lo học hành, trai hay gái không quan trọng dù thỉnh thoảng vẫn nghe những lời khuyên ngủ của mọi người xung quanh về việc ráng kiếm đứa con trai để nối dõi tông đường. Bỏ ngoài tai những lời đó, đối với anh Phi nuôi con và dạy con hiện mới là vấn đề được anh quan tâm.

Khi được hỏi về suy nghĩ của bản thân đối với việc sinh con gái, anh Phi chia sẻ: “Giờ trách nhiệm của tôi là làm sao nuôi dạy hai con trưởng thành, nên người. Các con đều có ước mơ thi đậu vào đại học. Do đó, vợ chồng chúng tôi cố gắng từng ngày, từng giờ lo cho các con ăn học. Theo tôi, mỗi gia đình chỉ nên sinh hai con là đủ. Nếu mỗi người chúng ta thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đó là đã góp sức vào công cuộc xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp”.

Những hộ gia đình sinh con một bề là gái, có suy nghĩ tích cực như gia đình anh Phi đang dần xuất hiện nhiều hơn. Đây là kết quả đáng khích lệ nhờ vào hoạt động bám sát địa bàn và tăng cường tuyên truyền công tác dân số. “Trong 5 năm qua, Trung tâm luôn đạt và vượt các chỉ tiêu Sở Y tế và cấp trên giao cho”, đây là khẳng định của ông Phan Xuân Thọ, Giám đốc Trung tâm dân số - KHHGĐ thành phố Phan Thiết.

Những thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân chính là minh chứng cho sự hiệu quả tích cực của công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn đang là một thách thức không nhỏ cho công tác dân số trên địa bàn. Theo Sở Y tế Bình Thuận, năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố về mất cân bằng giới tính khi sinh. Kết quả tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh 112 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng. Bình quân 05 năm từ 2016 - 2021 là 111,4 bé trai/100 bé gái.

Theo số liệu mới nhất trong năm 2021 của ngành dân số, thì tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111,8 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh có sự tăng giảm không ổn định qua các năm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền - đang là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được tiếp tục triển khai.

Về công tác chuyên môn trong thời gian đến, ông Nguyễn Bá Tòng - Phó trưởng Ban công tác dân số - KHHGĐ tỉnh - Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong thời gian đến, Sở Y tế sẽ triển khai các nội dung như sau. Trước tiên là đề nghị lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể cũng như UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cộng tác viên dân số tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch số 2519 ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về Thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đối với ngành Y tế, cơ quan chủ quản về mặt chuyên môn, sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động chuyên môn và tăng cường giám sát công tác lựa chọn giới tính khi sinh để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất”.

Theo Kế hoạch số 2519 của UBND tỉnh, Bình Thuận hướng mục tiêu giảm tốc độ gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh đến năm 2025 dưới 111 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức về giới tính và cân bằng giới tính cũng như KHHGĐ không phải là việc có thể thực hiện một sớm, một chiều hay nhiệm vụ đơn lẻ của của một ban ngành hay địa phương nào, mà cần sự tham gia của cả cộng đồng xã hội, xây dựng thế hệ tương lai hoàn thiện từ chính môi trường gia đình./.

Hữu Tri

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1