
(binhthuan.gov.vn) Ngành Y tế đang phối hợp tích cực với các địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh, qua đó thiết lập “lá chắn” bảo vệ sức khỏe, an toàn phòng, chống dịch trước thềm năm học mới
Chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa năm học mới sẽ bắt đầu, tuy nhiên số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng gia tăng đang được ghi nhận ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua. Nếu như tháng 7/2022, Bình Thuận ghi nhận 63 ca mắc COVID-19, thì chỉ trong vòng 2 tuần của tháng 8/2022, tỉnh đã ghi nhận 156 ca mắc COVID-19. Đây là số liệu mà các cơ sở y tế nắm bắt và giám sát được, con số thực tế trong cộng đồng sẽ cao hơn. Thông qua số liệu trên, ít nhiều cũng đủ để cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bình Thuận có chiều hướng gia tăng đáng kể.
Theo Sở Y tế, nguyên nhân số ca mắc tăng cao do nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Trong khi đó, người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống bệnh, như không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người, tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa đúng lịch. Mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận các ca mắc COVID-19 có biến thể phụ BA.4, BA.5, nhưng số ca mắc đang gia tăng trở lại, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Bởi bên cạnh COVID-19, một số bệnh lưu hành khác như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính…).
Trước thực trạng số ca mắc gia tăng nhanh, đã khiến nhiều phụ huynh thay đổi quyết định, đưa con em mình đến các điểm tiêm nhằm trang bị cho trẻ lớp bảo vệ chủ động bằng vắc xin để sẵn sàng cho năm học mới.

Điểm tiêm cố định tại UBND phường Phú Trinh
Ngay từ sáng, dù chưa tới giờ hẹn nhưng đã có đông đảo phụ huynh đưa con em mình đến điểm tiêm tại UBND phường Phú Trinh để chờ đến lượt khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1.
Cho con đi tiêm mũi 1 sau thời gian dài tạm hoãn tiêm, anh Đặng Trí Thức chia sẻ: “Mấy lần trước, do chưa có đầy đủ thông tin về phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin nên còn sợ, không dám cho con tiêm. Đợt này, thấy vắc xin hoàn toàn ổn định nên quyết định cho cháu đi tiêm”.
Khác với anh Thức, anh Lê Thành Danh quyết định đưa con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì lo sợ nguy cơ dịch bùng phát trở lại. “Dịch này có thể quay trở lại. Với lại đông phụ huynh cho tiêm, thì không có lý do gì mình không cho con mình tiêm. Theo mình, các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học nên cho con được tiêm để phòng tránh rủi ro nếu nhiễm COVID-19”, anh Lê Thành Danh, cho biết.
Nhờ sự đồng lòng của các bậc phụ huynh, chỉ trong vòng 03 ngày, thành phố Phan Thiết ghi nhận số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm tăng khoảng 20%. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm được thực hiện nghiêm túc.

Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 có xu hướng tăng nhưng còn chậm
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến ngày 29/8/2022, tỷ lệ tiêm nhắc lần 1 đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đạt 30,3%. Tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi đạt lần lượt là 66,8% đối với mũi 1 và 38,9% đối với mũi 2. Mặc dù số lượng mũi tiêm hàng ngày có xu hướng tăng trong vòng 1 tuần trở lại đây, tuy nhiên con số này vẫn còn thấp so với công suất trung bình của các điểm tiêm trên địa bàn.
Đối với vắc xin phòng COVID-19, sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2), khả năng bảo vệ sức khỏe hơn 80%. Tuy nhiên, sau 3-6 tháng, hiệu lực bảo vệ giảm dần, nhất là với chủng Omicron. Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó, nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dẫn và trở về như người chưa tiêm. Nếu xuất hiện chủng COVID-19 mới, thì người dân sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.

Hiệu lực bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian
Trong giai đoạn hiện nay, biện pháp tốt nhất bảo vệ người dân trước dịch COVID-19 vẫn là tiêm vắc xin. Đây cũng là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người với cộng đồng. Với trẻ em, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó giúp trẻ tự tin tham gia các hoạt động khác. Trong trường hợp không may bị mắc COVID-19, sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng nặng và tử vong. Ngày tựu trường sắp đến, tiêm vắc xin sẽ giúp học sinh có thêm hàng rào bảo vệ, chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường./.
Hữu Tri