
(binhthuan.gov.vn)
Các bệnh truyền nhiễm hiện đang diễn biến khó lường, có chiều hướng gia tăng. Cả
nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đang ứng phó cùng lúc nhiều loại bệnh truyền nhiễm như COVID-19, sốt xuất huyết (SXH); tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm mới nổi khác có nguy
cơ xâm nhập.
Chuẩn bị vào
thời điểm chuyển mùa với thời tiết nắng mưa thất thường, thì dễ phát sinh các bệnh;
đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Để
hiểu rõ hơn về tình hình các bệnh truyền và biện pháp phòng chống, Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa phòng chống
bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ lý giải rõ hơn để bạn
đọc có thể hiểu và nắm rõ.

Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa
phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào
về tình hình các bệnh truyền nhiễm tại Bình Thuận trong thời gian qua?
Với
sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ
lực của các cán bộ toàn ngành y
tế và sự phối hợp của người dân trong suốt thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Các hoạt động
sinh hoạt, đi lại, tập trung học tập, giao thương, du lịch được mở cửa và hoạt động bình
thường trở lại. Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh ghi nhận
mỗi ngày vài ca thông qua sàng lọc tại các cơ sở y tế. Riêng trong tháng
10/2022, toàn tỉnh ghi nhận 03 ca tử vong do COVID-19 sau
nhiều tháng không ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh này; trong đó, có 01
trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, 2 trường hợp còn lại tiêm 02 mũi
vắc xin.
Cùng với đó, Bình Thuận có bệnh cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue (SXHD). SXHD quay trở lại theo chu kỳ, ghi nhận số ca mắc
khá cao với hơn 7.000 ca trong năm 2022. Các bệnh mới nổi và tái nổi như đậu mùa khỉ, bệnh do Adeno vi rút đang được giám sát
chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp mắc tính đến thời điểm
này.
Các bệnh truyền nhiễm nào thường hay gặp ở Bình Thuận và mức độ nguy hiểm
ra sao?
Tại Bình Thuận, bệnh
truyền nhiễm thường hay gặp là bệnh SXHD, xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa
mưa. Các triệu chứng gồm sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp... Nếu không được chẩn
đoán sớm và điều trị kịp thời, thì bệnh này trở nặng, có thể gây chảy máu nặng,
giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Với bệnh tay chân
miệng thì thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 05 tuổi. Bệnh lây qua đường
tiêu hóa, qua các chất tiết của trẻ bị bệnh bao gồm nước bọt, ban phỏng, nước
phân của trẻ. Bệnh tay chân miệng được phân thành 04 cấp độ, có tốc độ lây lan
nhanh, dễ thành dịch. Trẻ khởi bệnh có dấu hiệu sốt, đau họng, tổn thương, đau
rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, nổi ban ở tay, chân, mông, gối. Nếu
không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, thì trẻ có thể gặp nhiều
biến chứng nguy hiểm, như là: viêm não; yếu hoặc liệt chi, liệt dây thần kinh sọ
não; viêm cơ tim; phù phổi; trụy mạch... có thể dẫn tới tử vong.
Chuẩn bị đến thời điểm chuyển mùa, các
loại bệnh truyền nhiễm sẽ phát triển và lây lan tại Bình Thuận như thế nào? Ông có khuyến cáo gì đến người dân.
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây
bệnh phát triến. Các hoạt động giao lưu học tập, mua bán, sinh hoạt có thể vô tình
gây thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các dịch bệnh
Zika, SXHD, cúm, viêm đường hô hấp, tay chân miệng có thể diễn biến phức tạp
thêm và nguy cơ bùng phát cao nếu không cảnh giác và có biện pháp can thiệp kịp
thời.
Mọi nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương trong công tác phòng,
chống dịch bệnh sẽ không thể đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân.
Vì vậy, mọi người hãy hợp tác với cán bộ y tế khi có yêu cầu phối hợp điều tra
ca bệnh, xử lí ổ dịch, các chiến dịch vệ sinh môi trường, xử lí hóa chất chủ
động phòng chống dịch. Theo dõi các thông tin khuyến cáo y tế trên các phương
tiện thông tin đại chúng. Thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mang khẩu
trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Trường hợp mắc các bệnh
lý hô hấp hãy mang khẩu trang và hạn chế đến nơi đông người. Lựa chọn các thực
phẩm đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh thân thể và vận động nghỉ ngơi hợp lý
nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Từ
đầu năm 2022 đến nay, Bình Thuận ghi nhận hơn 7.500 ca SXHD, trong đó 05 ca tử
vong do bệnh này. Vì sao năm nay số ca bệnh, tử vong vượt cao?
Do diễn biến tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết chung của cả
nước và khu vực Đông Nam Á. SXHD là dịch bệnh lưu hành tại các phía Nam nói
chung và tại Bình Thuận nói riêng. Năm nay là năm chu kì của dịch bệnh SXHD, số
ca mắc tăng cao ở tất cả các huyện cũng như các tỉnh thành trong khu vực miền
Trung. Sự biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, tốc độ đô thị hóa...dẫn tới gia
tăng muỗi sinh sản. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thói quen tích trữ nước
nhưng không được chú trọng che đậy kín lu, bể nước.. Người dân chưa có thói
quen chủ động phòng ngừa bệnh SXHD, phụ
thuộc nhiều vào cơ quan chức năng dẫn đến dịch bệnh vẫn còn diễn tiến dai dẳng.
Phòng, chống bệnh SXHD là việc của mọi nhà, mọi người. Mỗi
người dân chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, vệ sinh môi trường sống. Thực
hiện các biện pháp diệt muỗi và diệt lăng bọ gậy, không để véc tơ truyền bệnh
SXHD phát triển. Mặc quần áo dài, ngủ màn, thoa kem ngừa muỗi đốt.
Bệnh SXHD trở nặng
có thể diễn tiến rất nhanh dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp đúng cách.
Vậy nên khi có triệu chứng nghi ngờ SXHD, người dân không nên tự điều trị tại
nhà mà hãy đến cơ sở y tế để được theo dõi điều trị và xử trí kịp thời.
Song hành cùng dịch bệnh COVID-19, bệnh
sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có diễn biến khá phức tạp, nguy cơ đáng
ngại dịch chồng dịch có thể xảy ra. Để ngăn chặn nguy cơ này, ngành y tế thực
hiện các giải pháp nào trong thời gian tới?
Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch trên địa bàn đều đang được theo
dõi, giám sát chặt chẽ dựa trên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm,
các hoạt động giám sát dựa vào sự kiện và cộng đồng. Từ đó, ngành y tế tỉnh sẽ
nhanh chóng đánh giá tình hình dịch và kịp thời xử lí những ổ dịch mới phát
sinh. Song song đó, là đẩy mạnh thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh
trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn cách phòng bệnh tới toàn dân thông qua phương tiện
thông tin đại chúng, fanpage “Sức khỏe Bình Thuận” và các kênh truyền thông
khác để mọi người dân cùng nắm thông tin, nâng cao hiểu biết để cùng tăng cường
phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bên cạnh đó, ngưởi dân hãy tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 đủ mũi, tiêm
nhắc đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi phát hiện thành viên trong
gia đình mắc bệnh truyền nhiễm trên, người dân đến ngay cơ sở điều trị (tuyệt
đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà), thông tin với nhân viên y
tế địa phương để được hỗ trợ và có kế hoạch xử lí ổ dịch khi cần thiết./.
Hữu Tri