TẬP TRUNG CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT KINH DOANH
Văn
phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 299/TB-VPCP kết luận Hội nghị sơ kết 6
tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu
về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia
giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Chuyển đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Thông
báo nêu: Từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án
06 đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số
quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các
địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số
quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực. Kinh tế số,
hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, các Cơ sở dữ liệu quốc
gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối,
chia sẻ, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc đầu tư nguồn lực về
tài chính, cơ sở vật chất, con người được quan tâm, chú trọng. Dịch vụ công trực
tuyến, tiện ích được đẩy mạnh. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng. Chuyển
đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên
cạnh những kết quả tích cực, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề
án 06 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu
còn chưa thực sự coi trọng công tác chuyển đổi số, chưa quan tâm chỉ đạo quyết
liệt để tạo sự chuyển động trong toàn bộ máy. Một số mục tiêu đặt ra còn chưa
hoàn thành; nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế; tốc độ mạng
băng rộng cố định, di động vẫn ở mức trung bình khá.
Việc
xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu còn cát cứ, bảo thủ, dịch vụ công trực
tuyến chất lượng còn thấp. Nhân lực chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu
phát triển…
Kết
luận nêu rõ: Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới
với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ,
ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ
ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia
rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu
quả.
Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng
quan trọng của chuyển đổi số quốc gia
Thủ
tướng Chính phủ thống nhất quan điểm chuyển đổi số đang là xu thế có tính toàn
cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội, tất yếu khách quan. Vì vậy, cần tiếp tục
nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về chuyển đổi số, nắm bắt xu thế thời đại,
kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát triển đột phá về
các lĩnh vực, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, có chính sách ưu tiên: đẩy mạnh dịch
vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chuyển đổi số,
nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Xây
dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi
số quốc gia, kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam, xã
hội số là một nền tảng của xã hội Việt Nam, văn hóa số là một phần quan trọng của
nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Hài
hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; triển khai hợp lòng dân và
được Nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục
tiêu, động lực cho sự phát triển. Huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống
chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số.
Tổ
chức bài bản nhưng không cầu toàn, nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa
rút kinh nghiệm. Có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá; hành động quyết liệt
có trọng tâm, trọng điểm.
Các
Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng trong
chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên thông, liên kết, chia sẻ cao giữa
các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình
thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải
pháp quan trọng thúc đẩy hình thành các cơ sở dữ liệu chung nhưng vẫn bảo đảm
thẩm quyền quản lý dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương.
Tập
trung cải cách, xây dựng thể chế, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm
và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền phải
đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của
các đơn vị được phân cấp, phân quyền.
Đề
án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng nằm trong tổng thể chuyển đổi số, cần huy động
mọi nguồn lực, sự tham gia của hệ thống chính trị, của người dân, cộng đồng
doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát triển khai Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư để vừa xây dựng, vừa phát triển, vừa khai thác có hiệu quả. Đẩy mạnh
triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời
gian tới. Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích
chung.
Đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất
20% chi phí tuân thủ
Với
quan điểm trên, nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương là tập trung
rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt
động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn
giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo
chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm
định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong các dự án, dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp
thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.
Tái
cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đang được tích hợp trên
Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính
cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ công
dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực
chất, hiệu quả. Hoàn thành trong Quý III năm 2023.
Rà
soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa
các bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ
trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền
mặt, thương mại điện tử (thanh toán hóa đơn, chi trả lương hưu, tích hợp mã định
danh với mã số thuế để nâng cao hiệu quả thu thuế…); bảo đảm an ninh, an toàn
các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổ chức
triển khai 02 dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -
cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường
trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc với tinh thần vừa làm, vừa
hoàn thiện, nâng cấp (theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ);
đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của người
dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi
số./.
(Nguồn: baochinhphu.vn)
Phòng Cải cách hành chính - Sở Nội vụ