(binhthuan.gov.vn)
Cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc, trở về với đời thường, những cựu
chiến binh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục phát huy truyền thống và
những phẩm chất tốt đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia hoạt động
sản xuất, kinh doanh, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Tinh thần lạc quan được thể
hiện qua giọng hát và cũng được thể hiện qua mọi hoàn cảnh sống của người cựu
chiến binh này. Ông là Nguyễn Văn Thành, thương binh hạng 2/4 ở xã Hàm Chính,
huyện Hàm Thuận Bắc. Tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Bình
Thuận, năm 1975 ông rời quân ngũ, trở về địa phương. Không đầu hàng số phận,
ông Thành đã nỗ lực tìm kiếm cách thức làm ăn. Sau thời gian gắn bó với cây
lúa, cây màu, cuối cùng ông chọn cây thanh long và chăn nuôi bò để phát triển
kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thành – Thương binh 2/4 hăng hái tăng
gia sản xuất cải thiện đời sống
“Bước đầu thực hiện mô hình
này, bản thân tôi gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, cộng thêm mỗi lần
vết thương tái phát, cơ thể đau nhức chỉ muốn buông xuôi”, ông Thành tâm sự.
Nhưng với tinh thần, nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ đã trở thành sức mạnh
để ông và gia đình vươn lên. Đến nay, hàng năm ông thu nhập trên 300 triệu
đồng. Nhiều năm liền ông được tuyên dương “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”
cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, ông Thành còn quan tâm, giúp đỡ bà
con gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương.
Nếu như ông Thành là đại diện
cho những người thương binh biết tận dụng lợi thế về đất đai để làm kinh tế, cải
thiện đời sống thì bà Võ Thị Chức, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc lại là một
nữ thương binh biết vượt lên trên hoàn cảnh, buôn bán để làm giàu.
Sinh ra và lớn lên trong một
gia đình cách mạng. Năm 1965, lúc tròn 19 tuổi, người con gái Võ Thị Chức cũng
tiếp bước cha, anh trở thành chiến sĩ xung phong tham gia vào lực lượng du kích
mật tại địa phương. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mang thương tật 45%, bà
Chức trở về mảnh đất gia đình bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
Bà Võ Thị Chức và cửa hàng tạp hóa của mình
Nhờ khoản trợ cấp thương
binh của Nhà nước, bà Chức mở một tiệm tạp hóa nhỏ, buôn bán kiếm sống. Giỏi chắt
chiu, tích góp đến nay tiệm tạp hoá của bà đã trở thành cửa hàng tạp hóa lớn nhất
nhì ở xã, kinh doanh buôn bán đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng với giá sỉ, thu nhập
mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Khi kinh tế gia đình bắt đầu
ổn định, bà Chức lại dồn tâm sức vào giúp đỡ cho những mảnh đời cơ cực. “Mình
may mắn hơn các anh em đã nằm xuống trong chiến tranh, được sống trong hòa bình
hôm nay, mình phải sống có trách nhiệm sẻ chia với những người bất hạnh hơn,
giúp được cái gì thì mình giúp”, bà Chức tâm sự.
Từ nguồn lợi nhuận kinh
doanh tạp hóa, bà nhận đỡ đầu cho những hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh. Hơn 10
năm qua, bà đã nhận đỡ đầu và trợ cấp tiền hàng tháng cho 05 người già neo đơn,
trẻ mồ côi (mỗi người 300 nghìn đồng/tháng) và trao học bổng cho học sinh nghèo
hiếu học trong vùng. Ngoài ra, cửa hàng tạp hóa của bà bà Chức còn là một địa
chỉ nhân đạo, kết nối những người thiện nguyện khi thùng tiền từ thiện của Hội Chữ
Thập đỏ xã được đặt tại đây. Từ nguồn đóng góp của gia đình bà Chức và khách
hàng, mỗi tháng Hội Chữ Thập đỏ lại có thêm một nguồn để hỗ trợ những hoàn cảnh
khó khăn.
“Thương binh tàn nhưng không phế”, lời Bác Hồ
dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng ngàn thương, bệnh binh vượt
lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Thời chiến, họ
là những người anh hùng chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình,
trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, hăng say
lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của
mình. Những thương binh tàn nhưng không phế đó đã trở thành tấm gương sáng cho
mọi người dân noi theo và học tập./.
Hữu Tri