Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai năm 2024
Lượt xem: 476

(binhthuan.gov.vn) Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là nắng nóng, khô hạn; sạt lở bờ biển và sự cố trên biển.

 

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đầu năm 2024 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây sóng lớn kết hợp triều cường đã làm sạt lở bờ biển tại thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Tân; chìm tàu cá tại khu vực biển thành phố Phan Thiết, cụ thể: Xâm thực biển xảy ra từ ngày 11/01 đến ngày 12/01 tại khu vực thôn Tiến Hải và thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết làm sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 230 m, làm sập hàng rào, hồ bơi của 03 hộ dân. Các đợt gió mạnh, sóng lớn gây sạt lở, xâm thực vào bờ biển kéo dài từ khu vực giáp ranh với bờ biển xã Sơn Mỹ đến cửa biển thôn Hồ Lân, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân với chiều dài khoảng 5 km, chiều sâu sạt lở từ 30 - 40 mét.

 

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 02 đợt nắng nóng, đợt thứ nhất xảy ra cục bộ từ ngày 10/4 - 12/4 ở các huyện:  Tuy Phong, Bắc Bình với nền nhiệt độ cao từ 35.00C - 35.50C; đợt thứ hai xảy ra từ ngày 26/4 - 30/4 trên diện rộng hơn ở thành phố Phan Thiết và các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 35.00C - 37.00C. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có mưa, một số nơi có mưa nhỏ, các sông suối nhỏ cạn kiệt, tình hình khô hạn, thiếu nước đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Thiệt hại do thiên tai gây ra làm 01 người chết; sập tường rào của 03 hộ dân thôn Tiến Hải, xã Tiến Thành; ước giá trị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Trên biển đã xảy ra 34 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 19 người, mất tích 01 người; chìm 10 tàu cá, 03 tàu bị sự cố, 01 tàu bị đâm va.

 

Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, trong thời gian tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án, kế hoạch, nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2024 sát với thực tế và đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân trong cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố. Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với cộng đồng an toàn.

 

Xác định rõ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, kiểm tra, hỗ trợ kịp thời kinh phí cho Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tập trung sửa chữa, khắc phục hư hỏng công trình cơ sở hạ tầng, ổn định cuộc sống cho Nhân dân.

 

Nguyễn Phương

 

 

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1