image banner
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”
Lượt xem: 3993

 

(binhthuan.gov.vn) Tối ngày 15/6, Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 đã diễn ra trang trọng tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

 

Tới dự và chứng kiến sự kiện có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đoàn khách trong nước và quốc tế... Về phía tỉnh Bình Thuận, có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh.

 

Hiện nay, đồng bào Chăm còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật.

 

Với những giá trị được ghi nhận từ nghệ thuật làm gốm của người Chăm, ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

 

Đại diện hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận nhận bằng công nhận của UNESCO

 

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, đồng bào Chăm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong Kho tàng Di sản văn hóa thế giới, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta phải cùng nhau có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản.

 

Dịp này, tỉnh Ninh Thuận chính thức khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 với chuỗi 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - Trần Quốc Nam cho biết: Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. Từ đó đã trở thành Lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm/lần. Lễ hội là dịp xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận.

 

Được biết, Bàu Trúc toạ lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây làlàng gốm vẫn duy trì cách làm gốm mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm. Những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, mà người ta hay gọi bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”; cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường. Đây cũng là địa danh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm nghệ thuật làm gốm thủ công.

 

Làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng gốm Gọ của người Chăm đã có từ rất lâu đời nằm tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đây là làng gốm thủ công duy nhất còn lại ở Bình Thuận.Để làm ra sản phẩm, người Chăm phải đến tận mỏ đất ở sông Phan, sau đó thuê xe chở về làng để sử dụng. Việc tạo hình cho sản phẩm được người Chăm giữ nguyên vẹn từ xưa cho tới ngày nay. Công cụ để tạo hình là cái bàn quay có hình dáng chiếc bàn tròn nhỏ đóng cố định, người thợ đi vòng quanh cái bàn để tạo hình sản phẩm. Cách nung gốm ở Bình Đức cũng đặc biệt hơn những nơi khác. Gốm được đặt lên mặt sân, sau đó phủ rơm rạ, lá dừa khô rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa hoàn thành. Để trang trí màu cho sản phẩm, lúc gồm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng, người thợ dùng nước chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi nguội sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông rất đẹp và lạ mắt.

Phạm Huệ

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1