image banner
Đẩy mạnh công tác phòng, chống nhằm kịp thời kiểm soát và khống chế dịch đau mắt đỏ
Lượt xem: 646


(binhthuan.gov.vn) Viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa và dễ lây lan. Các chuyên gia cho biết, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng.

Khác với mọi năm, năm nay, dịch bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và bùng phát mạnh từ tháng 8 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống nhằm kịp thời kiểm soát và khống chế dịch đau mắt đỏ. 

Bệnh đau mắt đỏ tăng đột biến

Từ đầu tháng 8 đến nay, dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua thống kê từ đầu tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận hơn 3.100 ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các bệnh viện và Trung tâm Y tế ở 10 huyện, thị xã, thành phố; trong đó tập trung nhiều ở thành phố Phan Thiết, các huyện: Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh.

Chị Nguyễn Thị Thêm (thành phố Phan Thiết) chia sẻ: “Hôm nay phải cho con nghỉ học vì mắt của bé bị ngứa và đỏ dù trước đó chị đã có tự mua thuốc uống và nhỏ mắt cho con nhưng vẫn không hết. Do đó, chị đưa bé đi khám để sử dụng đúng thuốc, kịp thời”.

Một trường hợp khác, là bé con của chị Đoàn Thị Hoàng Linh (thành phố Phan Thiết). Chị Linh cho biết, bé mắc bệnh đau mắt đỏ từ nhóm trẻ về nhà lây cả cha mẹ. Trước khi chưa bị đau mắt đỏ, gia đình không nghĩ bệnh này lây quá nhanh. Cả nhà mắc bệnh, con không đi nhà trẻ, cha mẹ cũng không đi làm được.

Tại Trung tâm Y tế Phan Thiết, số ca bệnh liên quan đến các bệnh lý về mắt tăng nhanh trong vài ngày gần đây. Có ngày khoa mắt tiếp nhận 70 trường hợp mắc các bệnh lý về mắt, tăng gần gấp đôi so với mức trung bình hàng ngày trước đó. Trong đó, tỷ lệ số người mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm tỷ lệ cao.

Theo chị Trịnh Lê Ngọc Thịnh - Điều dưỡng chuyên khoa mắt, Trung tâm Y tế Phan Thiết: Gần đây bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt thì đa số đều bị viêm kết mạc cấp, hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ. Số ca mắc tăng nhanh, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh.

Trước xu hướng gia tăng các trường hợp bị đau mắt đỏ, số lượng người tìm mua và dự phòng cho mình các sản phẩm, thuốc điều trị đau mắt đỏ vì thế cũng tăng lên. Thông tin từ Sở Y tế, thuốc nhỏ mắt của Việt Nam có gần khoảng 30 loại tương tự. Tất cả thuốc nhỏ mắt đều phải có đơn của bác sĩ, trừ thuốc nhỏ mắt nước muối sinh lý NaCl. Hiện toàn tỉnh có 14 công ty và chi nhánh công ty cung ứng thuốc trên địa bàn, nguồn cung cấp các loại thuốc và dung dịch sử dụng trong điều trị bệnh đau mắt đỏ đang bảo đảm, với giá cả ổn định.

Tăng cường công tác phòng chống dịch

Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, tình hình bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đang bùng phát, lây lan tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thông qua thông tin giám sát, Bình Thuận bắt đầu ghi nhận gia tăng bất thường các trường hợp bệnh được chẩn đoán viêm kết mạc cấp. Bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Biểu hiện là mắt đỏ, mi mắt sưng nề, đau nhức, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, có nhiều ghèn. Một số trường hợp biểu hiện viêm kết mạc có giả mạc thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, nếu bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… để lại hậu quả. Giống như các bệnh hô hấp do virus gây ra, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh lý cấp tính này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực nếu điều trị không đúng cách.

Bác sĩ Võ Văn Hạnh khuyến cáo: Khi mắc bệnh, tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Trẻ em bị bệnh, không nên đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang, kính mắt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế; thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện cùng cấp để điều tra, giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống tích cực chủ động, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh không để dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng. Chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức về cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế tuyến huyện phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đó trong nhà trường, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi phát hiện học sinh mắc bệnh để phối hợp triển khai xử lý ở dịch sớm, triệt để; các trường mẫu giáo. mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phỏng bệnh đau mắt đỏ.

Theo ghi nhận, không chỉ có xu hướng gia tăng số ca bệnh và lượt khám vì bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế, tại các điểm trường học đã có nhiều trường hợp xin nghỉ học vì đau mắt đỏ. Hiện các thầy cô đang tiếp tục kết nối với phụ huynh để kịp thời ghi nhận các trường hợp bệnh và hướng dẫn cách phòng bệnh cho trẻ.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1