Năm 2025: Bình Thuận tổ chức triển khai “Cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo”
(binhthuan.gov.vn)
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024 trên địa
bàn tỉnh đã xảy ra 11 ổ dịch Dại trên động vật (tại thành phố Phan Thiết 10 ổ dịch
và huyện Tánh Linh 01 ổ dịch); trong 02 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã xảy ra
02 ổ dịch Dại trên động vật tại thành phố Phan Thiết. Ngành Sở Y tế tỉnh cũng
cho biết, trong năm 2024 đã có 10 trường hợp người tử vong vì bệnh Dại tại 07
huyện, thị xã: Hàm Tân (02 người), Hàm Thuận Nam (03 người), Tánh Linh (01 người),
La Gi (02 người), Bắc Bình (01 người), Hàm Thuận Bắc (01 người) và 22.516 người
phải điều trị dự phòng bệnh Dại do bị chó, mèo cắn. Đầu tháng 02/2025 đã có 01
người tử vong do mắc bệnh Dại tại huyện Hàm Thuận Bắc.
Theo dự báo,
nguy cơ bệnh Dại xâm nhập, bùng phát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong
năm 2025 là rất cao, nguyên nhân là do tỉnh ta có tổng đàn chó, mèo tương đối lớn,
nhưng chưa được quản lý chặt chẽ; nhận thức của người dân trong việc chấp hành
các quy định về nuôi chó, mèo và phòng, chống bệnh Dại, tiêm phòng vắc xin Dại
còn hạn chế; việc kinh doanh, vận chuyển chó, mèo từ địa phương khác ra, vào địa
bàn tỉnh khó kiểm soát…
Do đó, để chủ động
ngăn chặn có hiệu quả, từng bước khống chế và tiến tới thanh toán bệnh Dại trên
địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, Chủ tịch
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã,
thành phố tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện “Năm cao điểm công tác tiêm
phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh” đảm bảo hiệu quả, triệt để,
đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh và từng bước khống chế bệnh Dại
theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, UBND
các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các
phòng, đơn vị liên quan tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó,
mèo ở từng khu dân cư; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, phương án và có các giải
pháp cụ thể triển khai, tổ chức “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm phòng vắc
xin Dại cho đàn chó, mèo năm 2025” đảm bảo tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho
đàn chó, mèo trên địa bàn đạt trên 80% diện tiêm, xử lý nghiêm đối với các trường
hợp vi phạm và không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định. Đồng thời,
trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương khẩn trương triển khai
thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại, xử lý dứt điểm
các ổ dịch Dại, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn nhằm giảm tối đa số
ca tử vong do bệnh Dại trên người, giảm số người bị chó cắn phải đi điều trị dự
phòng. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; thường
xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người
và động vật; phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, tổ dân
phố để phát hiện sớm bệnh Dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và
khống chế kịp thời; báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch,
đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin Dại chó, mèo theo quy định.
Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các huyện,
thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật
tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin Dại. Duy trì hoạt động của các
đoàn công tác, đội phản ứng nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các
huyện, thị xã, thành phố và nhất là hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay
khi mới xuất hiện.
Sở Y tế tăng cường
công tác giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh dại trên người; đồng thời, phối
hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giám
sát, chia sẻ thông tin và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin phòng Dại cho người bị chó, mèo cắn,
người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại.
Các cơ quan
truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đặc
điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, cách nhận biết động vật mắc bệnh Dại,
nghi mắc bệnh Dại và biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh Dại ở động vật; chủ
trương, chính sách và quy định về quản lý nuôi chó, mèo và tiêm vắc xin Dại cho
chó, mèo; các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, xây dựng vùng an toàn bệnh Dại.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn xử lý y tế ban đầu ngay sau khi đến
các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời; không sử dụng thuốc đông y
hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành y tế thay thế vắc xin để
điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo.
Nguyễn Phương