Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
(binhthuan.gov.vn) Tỉnh Bình Thuận
có diện tích tự nhiên gần 8.000 km2, 10 đơn vị hành chính cấp huyện,
trong đó có 06 huyện giáp biển và 01 huyện đảo; có bờ biển dài 192 km, vùng nội
thủy rộng 20.288 km2, dọc bờ biển có nhiều cửa sông. Hiện nay, vùng
biển tỉnh Bình Thuận liên thông với vùng Đông Nam Bộ, Đông Trường Sa, có huyện
đảo Phú Quý nằm ngoài khơi cách Phan Thiết trên 56 hải lý, thuộc hệ thống đảo
tiền tiêu, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đồng thời tạo điều
kiện phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển khai thác và dịch vụ hậu
cần nghề cá trên vùng biển xa bờ.
Bình Thuận là tỉnh có nghề cá
truyền thống, thuộc nhóm tỉnh đi đầu trong cả nước về năng lực sản xuất và sản lượng khai thác thủy sản. Toàn tỉnh, hiện có
7.861 tàu cá với hơn 44.500 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản, hoạt động chủ
yếu các nghề chính như lưới kéo, lưới vây, câu, lưới rê, lưới chụp, mành,
lặn, dịch vụ thủy sản.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã
quan tâm tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần gia tăng hoạt động trên vùng biển xa,
kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, từ năm 2018 - 2022,
UBND tỉnh đã hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa với số tiền là 989,5 tỷ
đồng, trong đó hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển là 6.161
lượt tàu cá/12.680 chuyến biển/953,39 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm
thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 2.797 lượt tàu cá tham gia hoạt
động trên vùng biển xa với tổng kinh phí hỗ trợ là 24,52 tỷ đồng; hỗ trợ kinh
phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 19.721 lượt thuyền viên với tổng
kinh phí là 4,85 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua 240 máy thông tin liên lạc sóng
HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) lắp trên tàu cá cho ngư
dân với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,72 tỷ đồng và một Trạm bờ đặt tại Chi
cục Thủy sản với số tiền 0,26 tỷ đồng. Đầu năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ
ngư dân hoạt động trên vùng biển xa với số tiền là 103,89 tỷ đồng, trong đó hỗ
trợ chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển là 1.240 hồ sơ/102,34 tỷ đồng;
hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 247 hồ sơ/1,5 tỷ đồng.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư
dân lắp thiết bị giám sát hành trình, phục vụ chống khai thác IUU, UBND tỉnh
đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 quy định
chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa
bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ lắp thiết bị giám sát cho 1.745 tàu cá
có chiều dài 15 mét trở lên với số tiền là 17,45 tỷ đồng (mức hỗ trợ 10 triệu
đồng/thiết bị). Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ cước phí
thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá.
Nhờ triển khai chính sách hỗ trợ
ngư dân hoạt động trên vùng biển xa theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, trong thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả thiết
thực, nhất là đã động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn ra các vùng
biển xa để khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản, nâng cao thu nhập,
góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao trình độ
kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề của ngư dân trong đánh bắt xa bờ; thúc đẩy ngư
dân phát triển tàu cá công suất lớn, phù hợp với chủ trương định hướng phát
triển nghề khai thác hải sản của Nhà nước, giảm được áp lực khai thác ven bờ;
gia tăng sự hiện diện của tàu cá và ngư dân của nước ta trên các vùng biển xa,
từ đó hạn chế tình trạng tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước
ngoài; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về tình
trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, góp phần quan trọng vào
việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nguyễn Phương