Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 332

(binhthuan.gov.vn) Trước tình hình bệnh sởi có diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã có công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai ngay các công tác cần thiết để phòng, chống dịch bệnh.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến ngày 07/11/2024 toàn tỉnh ghi nhận 157 trường hợp dương tính với bệnh sởi, trong đó: 8 tháng đầu năm ghi nhận 12 ca bệnh, tháng 9 ghi nhận 24 ca bệnh, đặc biệt tháng 10 ghi nhận 121 ca bệnh.

Các địa phương có ca mắc cao, cụ thể: Tuy Phong (55 ca bệnh), Phan Thiết (45 ca bệnh), Hàm Tân (16 ca bệnh), Hàm Thuận Bắc (15 ca bệnh), Hàm Thuận Nam (8 ca bệnh), La Gi (6 ca bệnh), Tánh Linh (5 ca bệnh), Đức Linh (5 ca bệnh), Bắc Bình (2 ca bệnh). Trong đó, ghi nhận nhiều ca mắc có liên quan dịch tễ với nhau tại các điểm trường học, các xã, phường, thị trấn trên cùng địa bàn.

Trước tình hình gia tăng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong trường học và bùng phát trong cộng đồng, Sở Y tế đề nghị các Sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai một số nội dung như sau

Sở Giáo dục - Đào tạo: Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh sởi trong trường học; thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm phòng vắc xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở giáo dục (nếu có). Truyền thông, vận động gia đình học sinh để tạo sự đồng thuận khi trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan trong trường học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học (nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ) triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi theo khuyến cáo ngành Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh không để tình trạng hoang mang, lo lắng trong dư luận. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi, triệu chứng, đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Các trường hợp có triệu chứng như: Sốt, phát ban, viêm long hô hấp cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo quy định; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sởi nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học, cơ quan, xí nghiệp,… nhất là vùng có ca bệnh và vùng liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chủ động phối hợp các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh.

Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin, thiết bị, nhân lực,... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm 04 tại chỗ. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh sởi, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm… ./.

Hữu Tri



Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1