Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 1807

(binhthuan.gov.vn) Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố và cứu hộ cứu nạn. Nhất là, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu, kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán, bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra các công trình đê, kè, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn ngay từ đầu mùa mưa bão 2023; rà soát phương án ứng phó thiên tai, trong đó, cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn, phương án sơ tán dân cư; rà soát, mua sắm, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo đảm bảo nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp cho vụ Mùa năm 2023; triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; tổ chức giám sát, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là hệ thống hồ chứa có dung tích lớn, hồ đập xung yếu; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin vận hành xả lũ, cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du, thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Giao thông vận tải và các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lũ lớn kéo dài, diện rộng, thiên tai, sự cố xảy ra tại vùng sâu, vùng xa. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn khác của địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Xây dựng kiểm tra các dự án đang triển khai trên triền đồi ven biển và yêu cầu chủ đầu tư có phương án chủ động ứng phó và tổ chức xử lý kịp thời, hạn chế không để xảy ra tình trạng cát chảy ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển.

Giám đốc các Sở, ban ngành của tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bắt đầu từ cộng đồng, từ cơ sở là chính yếu. Kiểm tra, tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương, bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, nhất là việc chủ động phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn kết hợp xả lũ hồ chứa. Đồng thời, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay từ bây giờ, nhất là phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, ngập lụt kéo dài ngày, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, từng địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao.

Nguyễn Phương

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1