Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh
(binhthuan.gov.vn) UBND tỉnh
vừa ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực
quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, mục tiêu của Kế
hoạch là xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục
vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm
trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và
sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Kiểm soát thuốc, vắc
xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu
phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng
thuốc. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên
ngành thú y các cấp.
Cụ thể, xây dựng hệ thống
giám sát dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường năng lực và hoạt động
có hiệu quả hệ thống giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm ổ dịch,
phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật. Tổ
chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch
bệnh thủy sản, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng
gia súc, dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, viêm da nổi cục trâu, bò…, dịch bệnh
lây sang người.
Có ít nhất 70 doanh nghiệp,
trang trại chăn nuôi động vật và nuôi trồng thủy sản được xây dựng và được công
nhận an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng
thành công ít nhất 01 vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp huyện; đồng
thời, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng và công nhận thành công cơ sở an toàn dịch bệnh, an
toàn thực phẩm của tỉnh đủ điều kiện xuất khẩu trứng gia cầm vào thị trường Hồng
Kông và xuất khẩu tổ yến vào thị trường Trung Quốc. 100% động vật đưa vào cơ sở
giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% các
chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, thịt gia cầm, trứng
và sản phẩm trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong, tổ yến được
tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu trên 100% các cửa hàng buôn bán thuốc
thú y được kiểm tra, giám sát.
Để đạt được mục tiêu
trên, trong thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã,
thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nhất là tăng cường năng lực quản
lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh lây truyền giữa động vật và người, giai
đoạn 2023 - 2030; tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết
mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động
vật; nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm
thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y.
Nguyễn Phương