Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ theo nhu cầu thị trường trong nước và thế giới
(binhthuan.gov.vn)
Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả,
có sức cạnh tranh cao, phát triển theo hướng hữu cơ bền vững, trong những năm gần
đây UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công
tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp,
thúc đẩy phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung đối với các loại cây trồng,
vật nuôi chủ lực, lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng.
Theo đó, các địa
phương đã tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chiều rộng và chiều sâu,
tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...)
trong sản xuất nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng
nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Tính đến nay,
toàn tỉnh có 128 ha cây trồng đã được cấp chứng nhận hữu cơ, trong đó có 124,5
ha chứng nhận hữu cơ trên cây thanh long và 4,5 ha chứng nhận hữu cơ trên cây
nho. Bên cạnh đó, còn có khoảng 7.331,64 ha diện tích cây trồng đang sản xuất
theo hướng hữu cơ, cụ thể có 2.455,32 ha điều sản xuất theo hướng hữu cơ, với sản
lượng 1879.5 tấn/năm (Hàm Thuận Bắc: 1.261,32 ha, Tánh Linh: 960 ha, Hàm Tân:
150 ha); diện tích lúa theo hướng hữu cơ là 4.615,2 ha (Tánh Linh: 4.335,5 ha,
Đức Linh: 99,3 ha, Tuy Phong: 100 ha, Hàm Tân: 50 ha, La Gi: 0,4 ha); diện tích
thanh long sản xuất theo hướng hữu cơ là 129 ha; diện tích một số cây trồng
khác sản xuất theo hướng hữu cơ như rau các loại có 31 ha; cây ăn trái khác các
loại có 101 ha.
Hiện nay, trên
địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng
hữu cơ, trong đó: Bò thịt có 1.720 hộ chăn nuôi; heo có 1.669 hộ; gia cầm có
764 hộ; dê có 317 hộ và đang từng bước chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ.
Đồng thời, UBND
tỉnh cũng đã quy hoạch, định hướng phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản hưu
cơ. Tuy nhiên, hiện nay đa số diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh còn nhỏ lẻ,
chủ yếu nuôi trồng theo hướng hữu cơ (cá thác lác có 8 ha) và theo tiêu chuẩn Global
GAP (tôm thẻ chân trắng được 104 ha). Chưa có diện tích nuôi trồng thủy sản được
chứng nhận hữu cơ. Về lâm sản hữu cơ, trong thời gian qua tỉnh ta đã tập trung
phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với nhiều loài quý, có giá trị kinh tế
cao như nấm linh chi, hoàng đằng, củ mài, rau sâm đất, trà hoa vàng, dứa gai,
huyết rồng, chè vằng, mật nhân,… nhưng chưa được chứng nhận hữu cơ vì quy mô nhỏ.
Trong thời gian
tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng các chính sách thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông
nghiệp hữu cơ, đặc biệt từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và
kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch,
nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo
cho nông dân về các phương pháp canh tác hữu cơ, nhất là kỹ thuật chăm sóc cây
trồng, phòng trừ sâu bệnh tự nhiên và sử dụng phân bón hữu cơ.
Tăng cường ứng
dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu
cơ. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện sản xuất
liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, đồng thời
liên kết chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả.
Đẩy mạnh phát
triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp,
làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất
lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh
phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, bền vững.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các khu vực miền núi và vùng sâu, vùng
xa để tạo ra các mô hình sản xuất hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội
của các vùng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguyễn Phương