(binhthuan.gov.vn) Trong vòng 01
tháng, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng nhanh
tại Bình Thuận. Sự gia tăng này đòi hỏi ngành y tế
phải đẩy mạnh các giải pháp để khẩn trương kiềm
chế, kiểm soát dịch bệnh.
Số ca mắc bệnh sởi tại tỉnh Bình Thuận đang tăng
nhanh. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính
đến ngày 07/11/2024 toàn tỉnh ghi nhận 157 trường hợp
dương tính với bệnh sởi, trong đó: 8 tháng đầu năm
ghi nhận 12 ca bệnh, tháng 9 ghi nhận 24 ca bệnh, đặc
biệt tháng 10 ghi nhận 121 ca bệnh, chiếm gần 80% tổng
số ca bệnh của cả năm. Các địa phương có số ca mắc
cao nhất là Tuy Phong (55 ca), Phan Thiết (45 ca), và Hàm Tân
(16 ca). Đáng lưu ý, nhiều ca bệnh liên quan dịch tễ đến
các điểm trường học, các xã, phường và thị trấn
trong cùng khu vực.
Phân tích, lý giải về nguyên nhân gia tăng số ca mắc
bệnh sởi trên địa bàn, tiến sĩ Chế Ngọc Thạch,
Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Nguyên nhân của sự
gia tăng bệnh sởi là do Bình Thuận gần với TP. Hồ Chí
Minh. Một bộ phận người dân ở Bình Thuận đưa con đi
khám bệnh tại các bệnh viện trong thành phố - vùng công
bố dịch. Điều này dẫn đến nguy cơ mang theo virus về
từ vùng có dịch. Ngoài ra, số ca bệnh sởi gia tăng
trong bối cảnh học sinh trở lại trường học sau kỳ
nghỉ hè. Các trường học, đặc biệt là các trường
mẫu giáo và mầm non là những môi trường có nguy cơ cao
lây lan bệnh.
Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch cũng lưu ý về tính chu kỳ của
dịch bệnh. Cụ thể, dịch sởi tại Việt Nam có chu kỳ
bùng phát khoảng 05 năm với các đợt dịch lớn xảy ra
vào các năm 2014, 2019. Năm 2024 là thời điểm dịch bùng
phát trở lại.
Ngoài ra, theo phân tích của ngành y tế, việc không tiêm
vắc xin chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bùng
phát nhanh dịch bệnh. Theo số liệu của ngành y tế, số
ca mắc sởi rơi vào những trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc
tiêm không đầy đủ. Cụ thể, có đến khoảng 90,38% ca
mắc bệnh sởi thuộc nhóm trẻ chưa được tiêm vắc xin
từ các năm trước; trong đó: nhóm trẻ từ 01-04 tuổi
chiếm tỷ lệ 35,62%; nhóm trẻ từ 5-9 tuổi chiếm tỷ lệ
28,85%.
Để đối phó với tình hình gia tăng bệnh sởi, vừa
qua, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề xuất
một số các biện pháp phòng chống bệnh sởi. Một trong
những giải pháp được ngành y tế đề xuất là tăng
cường truyền thông về bệnh sởi trong trường học và
cộng đồng. Theo đó ngành y tế tỉnh sẽ phối hợp với
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyên truyền về lợi
ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, vận động
các gia đình và học sinh tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường mẫu giáo và
mầm non, cần triển khai các biện pháp phòng chống sởi
theo khuyến cáo của ngành y tế.
Song song với giải pháp truyền thông, Phó Giám đốc Sở
Y tế tỉnh Bình Thuận Lê Văn Hồng yêu cầu các đơn vị
liên quan triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi
cho trẻ em từ 01-05 tuổi ở những địa phương có tỷ
lệ mắc cao như Tuy Phong và Phan Thiết. Ưu tiên tổ chức
tiêm phòng cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa tiêm
hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đồng thời, tăng cường công
tác vệ sinh môi trường ở các khu vực có nguy cơ cao như
trường học, cơ quan và các nơi công cộng để ngăn chặn
sự lây lan của virus và đảm bảo môi trường an toàn
cho cộng đồng. Đây là một biện pháp quan trọng nhằm
hạn chế sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, bảo vệ
sức khỏe của trẻ nhỏ.
Bên cạnh tiêm chủng, ngành y tế tỉnh tiếp tục giám
sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi, phát hiện sớm các
ca bệnh, cách ly điều trị kịp thời và xử lý ổ dịch.
Khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng
chống bệnh sởi như hạn chế tụ tập đông người,
thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu
trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập
trung đông người. Các trường hợp có triệu chứng như
sốt, phát ban, viêm long hô hấp cần đến ngay cơ sở y
tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.
Hữu Tri