(binhthuan.gov.vn) Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cho
biết, trong thời gian qua các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp
luật về chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017;
đồng thời, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy
sản, nhất là hành vi vi phạm về khai thác IUU.
Kết
quả, trong 05 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng là Kiểm ngư và Biên
phòng đã xử phạt 137 trường hợp vi phạm, thu phạt 906,7 triệu đồng, chủ yếu là
các hành vi vi phạm như: Tàu cá hoạt động không đăng ký (24 vụ); sử dụng nghề,
ngư cụ cấm khai thác (16 vụ); tàng trữ công cụ, kích điện để khai thác hải sản
(08 vụ); không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng (11 vụ); người làm việc trên
tàu không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên (28 vụ); tàu cá không thực hiện
quy định về giám sát hành trình (04 vụ) và các hành vi khác (46 vụ).
Mặc
dù các lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều vụ việc về hành vi khai thác IUU
của ngư dân, nhưng nhìn chung việc xử lý vi phạm khai thác IUU trong thời gian
qua vẫn còn hạn chế, một số vụ việc xử lý chưa nghiêm. Nhiều hành vi vi phạm
được EC khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép
hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; không khai
báo khi ra vào cảng cá; tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên
biển... trên thực tế vẫn còn phổ biến nhưng việc xử lý còn rất ít hoặc chưa xử
lý.
Trong
thời gian tới, lực lượng Biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp
luật, cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền các địa phương liên quan tiếp
tục điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung
pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển
nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp đối với các trường hợp đã phát hiện
từ cuối năm 2020 đến nay; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá
hoạt động vùng khơi đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn cố tình
vi phạm kể cả trường hợp không bị phía nước ngoài bắt giữ; tàu cá thường xuyên
hoạt động ngoài tỉnh, không chấp hành quy định pháp luật về điều kiện hành nghề,
thuộc đối tượng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm cảnh báo, răn
đe trước tình hình đang có chiều hướng phức tạp như hiện nay. Công an tỉnh điều
tra, thu thập chứng cứ về hành vi móc nối, đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh đi
khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài để truy tố trước pháp luật.
Lực
lượng Kiểm ngư phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã vào cuộc quyết liệt,
xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi khai thác IUU theo thẩm quyền được quy
định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là các hành vi vi phạm
về khai thác IUU xảy ra phổ biến như tàu cá không đăng ký, hoạt động không có
giấy phép hoặc giấy phép khai thác đã hết hạn; hoạt động sai nghề ghi trong
giấy phép; không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; không mở
thiết bị thiết bị giám sát hành trình hoặc sử dụng các biện pháp vô hiệu hóa
hoạt động của thiết bị khi tàu hoạt động trên biển; thuyền nghề giã cào bay
hoạt động sai tuyến; không khai báo, không ghi, không nộp nhật ký khai thác khi
tàu cá ra vào cảng cá.
Cơ
quan thực thi pháp luật về chống khai thác IUU và chính quyền các địa phương rà
soát, tổng hợp số liệu, lưu trữ hồ sơ xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU, đảm
bảo theo dõi được lịch sử vi phạm, tái phạm theo từng hành vi, hình thức xử lý
cụ thể đối với từng hành vi vi phạm và kết quả xử lý; cập nhật đầy đủ kết quả
xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thủy sản theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, UBND tỉnh.
Nguyễn Phương