(binhthuan.gov.vn) Sáng
ngày 08/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ
kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải; lãnh đạo các Sở, ban,
ngành là Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Bình Thuận
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban
Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động xây dựng kế hoạch chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, chỉ đạo các lực lượng chức
năng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình từng địa bàn, đơn vị, địa phương
mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Các lực lượng chức năng tích cực, chủ
động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn,
bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
đúng theo thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của
doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh
tế - xã hội đất nước.
Công tác trao đổi, chia sẻ thông
tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa
phương thời gian qua đạt hiệu quả cao; nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp
phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật; không phát sinh điểm
nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác thông tin, tuyên
truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện
thông tin được lan tỏa rộng rãi đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm
2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm, giảm 2,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phát hiện,
bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tăng 172,28% so với
cùng kỳ năm trước; 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, giảm 9,7 so
với cùng kỳ năm trước; 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 8,55% so
với cùng kỳ năm trước; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.066,79 tỷ đồng, giảm
7,53% so với cùng kỳ năm trước; khởi tố hình sự 650 vụ, giảm 44,25% so với cùng
kỳ năm trước, 1.913 đối tượng, giảm 18,82% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một
số khâu, một số đơn vị chưa chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục tư tưởng,
đạo đức cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ; việc kiểm tra, kiểm soát của cơ
quan chức năng chưa được thống nhất, chưa thường xuyên, tạo nhiều kẽ hở cho các
đối tượng hoạt động; một số đơn vị còn có hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay
cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh
doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả… Năng lực, trình độ chuyên
môn nghiệp vụ một số cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ còn hạn chế,
chưa đồng đều, nhất là đối với một số lĩnh vực mới, phức tạp. Số vụ việc buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện xử lý chưa tương xứng với
tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng
cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế; một số vụ việc không bắt được đối tượng vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị,
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa
phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian
qua. Trong 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ,
ngành, địa phương phối hợp tốt hơn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao năng
lực của các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các quy định có liên quan để hoàn
thiện hệ thống pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng
thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành
vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh thương mại
điện tử phát triển mạnh mẽ; tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của
các nước trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục
tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả và trở thành những người tiêu dùng thông minh.
Nguyễn Phương