Ban Chỉ đạo Trung ương họp đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn (2021 - 2025)

(binhthuan.gov.vn)
Chiều ngày 31/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia
giai đoạn (2021 - 2025) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong
cả nước đánh giá tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết
các Chương trình mục Quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban
Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp
tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy; Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải; các thành viên trong Ban Chỉ đạo các Chương trình mục
tiêu Quốc gia giai đoạn (2021 - 2025) tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Theo báo cáo của
Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương
giai đoạn (2021 - 2025) của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, gồm: Chương trình
mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 102.050 tỷ đồng (Trong đó, có 100.000 tỷ
đồng vốn trong nước và 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài), đã bố trí đủ 100% trong kế
hoạch hàng năm. Tổng vốn sự nghiệp nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn (2021
- 2025) của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia là 91.956,85 tỷ đồng, đã cân đối bố
trí được 97.889,82 tỷ đồng trong dự toán hàng năm, vượt 6% so với dự kiến.
Đến nay, Chương
trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi đã hoàn thành 6/9 nhóm mục tiêu được Quốc hội giao tại Nghị định
số 120/2020/QH14. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đến
hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo
tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm
3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng
bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó
khăn và có 03 huyện nghèo thoát nghèo.
Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 03/2025, cả nước có 6.001
xã (78% xã) đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025),
trong đó có 39,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9,95% xã đạt chuẩn nông
thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so
với cuối năm 2021); có 06/15 huyện đã ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông
thôn mới”. Cấp huyện, cả nước đã có 307 đơn vị cấp huyện (47,6%) đạt chuẩn nông
thôn mới (đạt 95,2% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025), trong đó có 29 huyện đã đạt
chuẩn nông thôn mới nâng cao. 23 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông
thôn mới; 15 cấp tỉnh có 100% số xã và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông
thôn mới; có 06 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 40% mục
tiêu giai đoạn 2021 - 2025).
Bên cạnh những
kết quả đã đạt được, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn
(2021 - 2025) vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như một số nội dung thuộc các
chương trình, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không đủ cơ sở pháp lý để triển
khai thực hiện; tiến độ xây dựng, đề xuất phân bổ, giao dự toán kinh phí thực
hiện các chương trình cho các Bộ, ngành Trung ương và địa phương còn chậm…
Phát biểu kết
luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những
kết quả mà các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được trong thực
hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu, ý nghĩa của việc thực hiện các Chương
trình mục tiêu Quốc gia và nêu rõ năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch, vì vậy
yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ được
giao trong giai đoạn (2021 - 2025) để chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ
các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt, nỗ lực
hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu được Quốc hội
giao.
Cụ thể, Phó Thủ
tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu
tiên nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phân bổ, giải ngân vốn
các Chương trình mục tiêu Quốc gia theo kế hoạch. Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn
trương làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính thực hiện tổng kết, đánh
giá các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách, phê duyệt các
Chương trình mục tiêu Quốc gia; rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo hướng đơn giản
quy trình, tăng cường phân cấp, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của
chủ chương trình, cơ quan chủ quản chương trình. Các Bộ, ngành Trung ưng và các
địa phương tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện các Chương trình mục tiêu
Quốc gia giai đoạn (2021 - 2025), đề xuất giải pháp cho giai đoạn (2026 - 2030)
phù hợp với tình hình mới…
Nguyễn Phương