Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận
(binhthuan.gov.vn) Chiều
8/11, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận do đồng chí Nguyễn
Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm với Ban
Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế -
xã hội. Cùng đi có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; các đồng
chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía
tỉnh Ninh Thuận có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh
ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành
liên quan của tỉnh Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng
nhau trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong
thời gian qua. Theo đó, tại Bình Thuận, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong
điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức; song, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh
đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm
vụ đã đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Nổi bật là kinh tế
của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh sau đại dịch Covid - 19, cơ cấu 3 trụ cột
kinh tế (công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông nghiệp) tiếp tục chuyển dịch
đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức khá, quy mô kinh tế hơn 100 ngàn tỷ
đồng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định, chuyển dần sang công nghệ
cao, hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Các ngành thương mại, dịch vụ
tăng trưởng khá nhanh, chất lượng được nâng lên. Ngành du lịch có sự phát triển
mạnh khi đón hơn 35 triệu lượt khách với doanh thu đạt trên 93.000 tỷ đồng, nằm
trong top 10 địa phương có số lượng du khách lẫn doanh thu cao nhất nước…
Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh triển
khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện việc
sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng
đến năm 2030 gắn với điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan
Thiết. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội, nhất là đầu tư hạ tầng đô thị…
Đối với Ninh Thuận, là địa phương
cùng được tách ra từ tỉnh Thuận Hải năm 1992, có nhiều điểm tương đồng về lịch
sử, tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận cũng đã
có sự phát triển chuyển mình mạnh mẽ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật. Hiện
nay, tỉnh xác định 05 cụm ngành quan trọng; 02 động lực phát triển; 01 hạt nhân
phát triển và 04 khâu đột phá, tạo động lực cho tăng trưởng, tập trung vào các
ngành như năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp
chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại buổi làm việc
Thay mặt Đoàn công tác Tỉnh ủy
Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đã bày tỏ sự phấn khởi trước sự phát
triển của tỉnh Ninh Thuận sau 32 năm tái lập; đồng thời, nhấn mạnh buổi làm việc
là dịp để hai địa phương cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong
lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã
hội, quốc phòng, an ninh. Trong đó có nhiều lĩnh vực mà Bình Thuận cần nghiên cứu,
tham khảo, học tập kinh nghiệm của Ninh Thuận như: Quy hoạch, thu hút nguồn lực
đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số,… qua đó tạo cộng hưởng phát triển giữa hai tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức
Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức
Thanh chúc mừng những kết quả và thành tựu mà tỉnh Bình Thuận đạt được trong những
năm qua, đồng thời mong muốn tỉnh Bình Thuận tiếp tục có những hoạt động trao đổi
thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tạo ra động lực chính trị và bổ sung, hỗ trợ
lẫn nhau để phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển, từ đó góp phần thắt
chặt thêm tình cảm gắn kết giữa hai địa phương. Đồng chí cũng đề nghị hai tỉnh
cần nghiên cứu, trao đổi và sớm đi đến thống nhất ký kết hợp tác chính sách nhằm
thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở những chia sẻ tại buổi
làm việc, hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã đề xuất việc ký kết hợp tác trên
các lĩnh vực như: Công nghiệp năng lượng, kinh tế biển du lịch, văn hóa, nông
nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, liên
thông hồ thủy lợi, kênh dẫn nước để phát triển sản xuất… Trong đó, đẩy mạnh đổi
mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh kinh tế
biển; phát triển phù hợp kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế
chia sẻ, tạo thế phát triển liên vùng trong tương lai.
Dịp này, Đoàn công tác Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tham quan Tiểu dự án môi trường bền vững Tp.Phan Rang
- Tháp Chàm và dự án Đập ngăn mặn sông Dinh. Đây là những dự án, công trình trọng
điểm, có quy mô lớn của tỉnh Ninh Thuận, nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước,
giảm tình trạng ngập úng, cải tạo cảnh quan môi trường, ngăn chặn tình trạng
xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông
nghiệp…
TT Dân