Hội nghị đôn đốc thực hiện các dự án điện theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
(binhthuan.gov.vn)
Chiều ngày 07/01, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực
tuyến với các địa phương để đôn đốc thực hiện các dự án điện theo Chỉ thị số
01/CT-TTg ngày 03/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động giải pháp đảm bảo
cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân trong thời
gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn (2026 - 2030).
Tham dự Hội nghị
tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có ông Trần Minh Hoài - Phó Giám đốc Sở Công
Thương; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
Tại Hội nghị,
lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bảo đảm an ninh năng lượng điện là một trong
những yếu tố quan trọng để bảo đảm tăng trưởng kinh tế nói chung, đặc biệt là đảm
bảo cho mục tiêu tăng tốc, bứt phá theo định hướng của Trung ương, Quốc hội và
Chính phủ.
Trong gian vừa
qua, kinh tế của nước ta tăng khá cao và được xếp hạng là một trong những nước
có mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt
Nam có mức tăng trưởng 7,09% và với tốc độ tăng trưởng này, điện phải đáp ứng
khoảng 11% - 12%, những tháng cao điểm tốc độ tăng trưởng phải đạt 13% - 15%, đặc
biệt có những địa phương công nghiệp trọng điểm tăng 17% - 18%. Trong năm 2024,
Ngành điện đã đáp ứng tương đối tốt, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung điện và
đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2025, Trung
ương, Quốc hội và Chính phủ xác định mục tiêu phấn đấu phải đạt tăng trưởng GDP
của nước ta ít nhất là 8%. Theo đó, hệ số tăng về điện phải đáp ứng khoảng 1,5
lần, tương đương 12% - 13%, kịch bản cao phải đáp ứng được 13% - 14%... Để thực
hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn
(2025 - 2030), bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ
chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để thúc
đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện, truyền
tải điện; tuyệt đối không để các dự án, công trình bị chậm trễ do vướng các thủ
tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương. Tập trung rà soát, nghiên cứu điều chỉnh
Quy hoạch điện VIII để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về
phát triển kinh tế xã hội; cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện
xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không
phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước…
Hội nghị đã
nghe các địa phương, chủ đầu tư phát biểu một số nội dung liên quan đến tiến độ
thực hiện các dự án điện, những điểm vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải
pháp để tháo gỡ khó khăn, kịp thời triển khai các dự án điện đã được phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo
Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung
ương tiếp tục hỗ trợ các địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các
dự án điện khí đang triển khai; các dự án điện khí đã có chủ đầu tư sớm hoàn
thành các thủ tục có liên quan để thực hiện theo kế hoạch đề ra; đối với các dự
án điện khí chưa có nhà đầu tư, địa phương sớm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư thực
hiện các dự án điện theo quy hoạch, đảm bảo mục tiêu đến ngày 31/12/2030 đưa tất
cả các dự án điện khí vào vận hành.
Bộ trưởng Bộ
Công Thương yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia căn cứ quy định của
pháp luật, khẩn trương ký Hợp đồng mua bán khí với các chủ đầu tư dự án trong
chuỗi dự án khí Lô B và phấn đầu hoàn thành sớm các dự án điện khí Ô Môn III,
IV với vai trò là chủ đầu tư.
Tập đoàn Điện lực
Việt Nam đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các dự án nguồn điện đang triển
khai; rà soát, chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý để làm tốt công
tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành và có thể huy động tối đa công
suất phát điện trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2025 theo kế hoạch cung ứng
điện đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các
dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII, tăng cường liên kết mạnh giữa
các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho Hệ thống điện Quốc
gia; sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy
điện.
Các địa phương
tích cực thu hút đầu tư vào hệ thống truyền điện phân cấp và tạo điện kiện thuận
lợi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như chủ đầu tư triển khai các dự án lưới
điện truyền tải liên miền theo Quy hoạch điện VIII được duyệt.
Trong thời gian
tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai Thông tư quy định về khung giá truyền tải, biểu
giá truyền tải, phí truyền tải và phí điều độ vận hành để có cơ sở thu hút đầu
tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải, nhất là lưới điện dưới 220 kV.
Đối với các dự
án điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổng
hợp nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp đề xuất và kết thúc đợt I trước
ngày 20/01/2025 để Bộ thẩm định, trình Chính phủ cho phép triển khai 6.000 MW
giai đoạn I. Đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Bộ xem xét, ban
hành khung giá đối với điện gió ngoài khơi và khung giá của các công đoạn, quy
trình cần thiết nhằm giúp nhà đầu tư có đủ cơ sở triển khai các dự án.
Nguyễn Phương