Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Lượt xem: 255
Anh-tin-bai

(binhthuan.gov.vn) Sáng 24/12/2024, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận, tham dự hội nghị có Chánh Thanh tra tỉnh Trần Thanh Toàn; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết: Sau 05 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt kết quả tích cực, toàn diện, đồng bộ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Kết quả tích cực của công tác PCTN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Trong kỳ, toàn ngành thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng, 5.516 ha đất; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.

Về công tác gải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại; đã xử lý 1.133.558 đơn. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 78.448 tỷ đồng, 226 ha đất; khôi phục đảm bảo quyền lợi cho 1.199 tổ chức, 3.225 cá nhân; kiến nghị xử lý 2.583 người; chuyển cơ quan xử lý 123 vụ, 140 đối tượng.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn có những hạn chế nhất định: Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn; các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng nói riêng, PCTN nói chung…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận vào các nội dung gồm: Các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác PCTNTC; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và việc phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và hoàn thiện pháp luật góp phần PCTN trong tình hình mới; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhằm phòng ngừa tham nhũng… Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về PCTN trong những năm tới.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận

Tại Bình Thuận, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện tốt Chương trình công tác và Chương trình kiểm tra, giám sát, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Trong năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã hoàn thành 03 cuộc kiểm tra theo chương trình đề ra. Các cơ quan thanh tra đã triển khai 320 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế gần 5,4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 1,25 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 97 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 08 vụ.

Toàn tỉnh tiếp nhận 22 đơn tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực, xác minh, giải quyết 19 đơn. Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 của 215 cán bộ, công chức, viên chức. Qua xác minh, không có trường hợp nào kê khai tài sản thu nhập không trung thực. Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình; đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách 02 trường hợp, cảnh cáo 01 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm 04 trường hợp. Đối với khu vực ngoài Nhà nước, các cơ quan chức năng phát hiện 16 vụ/22 đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Đến nay, đã kết luận điều tra 04 vụ/04 bị can.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị thời gian tới, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Trong đó, ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo các quy định của pháp luật chặt chẽ không để sơ hở cho việc lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò xã hội trong PCTN, tiêu cực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong PCTN./.

Hữu Tri


Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1