
(binhthuan.gov.vn) Chiều
ngày 14/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực
tuyến chuyên đề “Thúc đẩy số hoá ngành nông nghiệp”.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải; lãnh đạo các Sở, ngành của
tỉnh; Hiệp hội Thanh long, các Hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu biểu trên địa
bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, Ngành
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số,
nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như: Trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ
liệu, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Những
ứng dụng công nghệ số đã giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh,
quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh
bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giúp tăng năng suất lao
động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đến nay, hàng triệu nông dân trong
cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của nông dân
nên việc thực hiện chuyển đổi số ở nước ta đã được áp dụng trong các lĩnh vực
trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều chương trình,
phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu
hóa việc sử dụng tài nguyên nước, phân bón… ; từ đó, dần chuyển đổi từ sản xuất
nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội
tăng năng suất lao động, giảm sự phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết
và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Thống kê từ các địa phương cho thấy,
tính đến tháng 12/2023 cả nước đã có hơn 02 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại
các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được
đưa lên Sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện,
điều này cho thấy những hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số trong
ngành nông nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu,
chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng
công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm,
mô hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp về số hóa trong nông nghiệp nhằm chuyển
nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng
yêu cầu của thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ
tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những thành tựu nổi bật mà Ngành Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được thời gian qua, trong đó có những
thành quả bước đầu của công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp; nhiều doanh
nghiệp và người nông dân đã tham gia chuyển đổi số một cách rất hào hứng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ
cũng cho rằng, trong thời gian qua việc xây dựng nông thôn số, nông dân số ở Việt
Nam còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và đang phải đối
mặt với không ít rào cản, thách thức. Sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các
bên liên quan là cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh
doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, Hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt
chẽ. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều giữa các khu vực và
vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ. Nhân lực cho
chuyển đổi số còn thiếu; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân thực hiện chuyển
đổi số chưa nhiều.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cải cách thủ
tục hành chính để người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình thực
hiện; những ứng dụng đến với nông dân phải thật đơn giản, dễ hiểu. Xây dựng hệ
thống thông tin dữ liệu đồng bộ và đảm bảo an toàn an ninh thông tin, trong đó chú
ý đến việc định danh được số tàu thuyền của Việt Nam để quản lý, đặc biệt là đối
với những tàu khai thác bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định. Phát
triển cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, nhất là cơ sở dữ liệu về thời tiết,
thủy lợi, truy xuất nguồn gốc nông sản, thị trường... chính xác, đầy đủ, cập nhật
kịp thời.
Nguyễn Phương