(binhthuan.gov.vn) Chiều 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các
đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024
và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng chủ trì
hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Chủ
tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì hội nghị tại
điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận, có
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, cùng lãnh đạo một
số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại hội nghị, thực
hiện chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và
Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế năm
2024 đã được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết
liệt, hiệu quả, với nhiều kết quả cụ thể, thiết
thực, tạo đột phá.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ
chốt Đảng, Nhà nước trong năm 2024, nội dung kinh tế đã
trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể,
thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng
Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc,
UAE, Qatar, Saudi Arabia, Hungary, Romania, Dominica; thăm làm việc
tại Trung Quốc, Nga... Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã
được ký kết.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được mở
rộng, nâng tầm, nâng cấp. Việt Nam đã thúc đẩy làm
mới các động lực tăng trưởng truyền thống về thương
mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường
lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất
là khu vực Đông Bắc Á; châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông;
nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về
công nghệ, bán dẫn, đổi mới sáng tạo… được thúc
đẩy với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn.
Trong đó, các Tập đoàn Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung,
LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens…đã đầu tư, mở rộng
đầu tư và hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam cũng đã nâng tổng số các hiệp định thương
mại tự do (FTA) ký kết và tham gia lên 17; đẩy mạnh
triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào
cản thị trường, qua đó góp phần phục hồi, tăng
trưởng xuất khẩu; tập trung tháo gỡ vướng mắc kỹ
thuật khi triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), vận động các thành
viên EU về Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), gỡ thẻ
vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, đề nghị Hoa Kỳ
đưa Việt Nam ra khỏi nhóm D1-D3 và sớm công nhận Việt
Nam là nền kinh tế thị trường.
Thương mại với nhiều thị trường truyền thống và số
thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Mỹ Latin tăng
trưởng tích cực, trong đó xúc tiến đàm phán các FTA
với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội
mậu dịch tự do châu Âu, FTA ASEAN - Canada…
Trong trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và chuyên
gia đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế – xã hội
của Việt Nam, ấn tượng với mức tăng trưởng năm
2024. Đồng thời, đánh giá cao điều hành vĩ mô của
Chính phủ, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh
đổi mới sáng tạo, coi Việt Nam là hình mẫu trong hợp
tác và tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt
Nam…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và doanh
nghiệp đã thảo luận về tình hình thu hút nguồn lực
đầu tư nước ngoài và vai trò của các cơ quan ngoại
giao của Việt Nam ở các nước trong công tác đối ngoại
kinh tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển
kinh tế của đất nước. Đồng thời, chia sẻ những
kinh nghiệm, bài học, cách làm hay để thu hút đầu tư,
mở rộng thị trường và giải pháp thúc đẩy hợp tác
quốc tế trong năm 2025. Các đại sứ, trưởng cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài thông tin thêm về xu hướng,
chính sách đầu tư của các quốc gia trên thế giới.
Tham gia ý kiến, các đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh
nội dung ngoại giao kinh tế trong các hoạt động ngoại
giao cấp cao; thiết lập các cơ chế để đẩy mạnh
triển khai các cam kết, thoả thuận cấp cao; tạo đột
phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động,
các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ,
đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, nhất là
các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn,
internet vạn vật, điện toán đám mây…
Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận
hội nghị
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, nỗ lực và
trách nhiệm của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện
ở nước ngoài để có được những kết quả nổi bật
về thu hút FDI và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc đánh
giá thị trường và đối tác chưa được bao quát, linh
hoạt. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại
ở một số địa phương chưa được quan tâm chú trọng.
Hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn
chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ…
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành
và cơ quan ngoại giao ở các nước cần nắm vững, đánh
giá đúng tình hình thực tế để đưa ra chính sách phù
hợp trong quá trình điều hành, thực hiện nhiệm vụ
phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nghiên
cứu đề xuất giải pháp tạo đột phá thu hút đầu tư
quốc tế, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tạo
môi trường đầu tư thông thoáng. Mặt khác, tiếp tục
có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa
phương, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, kịp thời
tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn. Đối với các đối
tác phải thể hiện sự chân thành, tin cậy, tin tưởng
để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế./.
Hữu Tri