Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc

(binhthuan.gov.vn) Sáng
ngày 01/6/2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã chủ trì Hội nghị
trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển
khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Bình Thuận có Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Huỳnh Ngọc Thanh và lãnh đạo
các Sở, ngành, địa phương liên quan.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Huỳnh
Ngọc Thanh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được
nghe các đơn vị, địa phương báo cáo tổng quan về một số kinh nghiệm trong triển
khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc; công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu
tư; công tác phối hợp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Kinh
nghiệm trong công tác thiết kế, dự toán; công tác khảo sát địa hình, địa chất,
thủy văn và công tác điều tra mỏ vật liệu xây dựng. Kinh nghiệm trong quản lý dự
án; công tác tổ chức khảo sát thiết kế, làm việc với địa phương về vật liệu xây
dựng; công tác chuyển đổi rừng, đất rừng; công tác lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung
trao đổi và thảo luận một số nội dung liên quan đến thủ tục khai thác mỏ vật liệu
xây dựng; quản lý giá vật liệu xây dựng; chuyển đổi rừng, đất rừng; quản lý
chung về kỹ thuật và quản lý ngành; an ninh trật tự trong quá trình triển khai;
các nội dung thường gặp trong quá trình thanh tra; kiểm toán Nhà nước liên quan
đến một số nội dung thường gặp trong quá trình kiểm toán đối với dự án theo
hình thức chỉ định thầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ
Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định: Việc thực hiện các dự án đường bộ
cao tốc trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giảm được thời
gian di chuyển của người dân, giảm chi phí vận tải, tạo động lực mới để phát
triển kinh tế - xã hội các vùng miền, kết nối vùng kinh tế trọng điểm với các địa
phương khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần thay đổi
diện mạo mới của đất nước. Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc
độ tăng trưởng GDP bình quân cao hơn GDP bình quân chung của cả nước. Tính đến
nay, cả nước đã có 1.729 km đường bộ cao tốc.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng
cho biết, qua triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc có những khó khăn
như, một số quy định của pháp luật còn bất cập; thời gian từ khi đề xuất đến khởi
công dự án kéo dài; nhiều hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa rõ ràng; công tác giải
phóng mặt bằng và tái định cư còn nhiều tồn tại; dự án trải dài qua nhiều địa
phương với các địa hình khác nhau đòi hỏi kỹ thuật xây dựng cao; yêu cầu về vật
liệu lớn; thủ tục cấp phép vật liệu mỏ còn nhiều bất cập; công tác phối hợp giữa
các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực
hiện dự án có lúc chưa kịp thời; năng lực điều hành của các Chủ đầu tư chưa đồng
đều…
Với mục tiêu đến năm 2025 cả nước phấn
đấu hoàn thành đường bộ cao tốc phía Đông khoảng 3.000 km. Do đó, từ nay đến
năm 2025 Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện 1.300
km đường bộ cao tốc đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Cần
Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 thành phố Hà Nội;
tổng vốn đầu tư để thực hiện các dự án này là 400.000 tỷ đồng, trong đó có 500
km giao cho các địa phương triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê
Đình Thọ chia sẻ các kinh nghiệm để thực hiện thành công dự án đường bộ cao tốc
đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua
các văn bản, công điện, các cuộc họp Ban Chỉ đạo, các đợt kiểm tra hiện trường
để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời trong quá trình triển khai thực
hiện. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm
quan trọng trong thực hiện dự án; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các
Đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư cố gắng hoàn thành công việc trong
thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất. Quá trình xây dựng cơ chế chính
sách có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm
các thủ tục hành chính, các khâu trung gian để rút ngắn thời gian thực hiện dự
án. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
Đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các địa phương để thực hiện dự án. Tuyên truyền mục
đích, ý nghĩa của công trình nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn dân.
Nguyễn Phương