Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
(binhthuan.gov.vn)
Sáng ngày 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy
ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề
chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính
công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham
dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có đồng chí Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ
Thông tin và Truyền thông, tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2
giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 là giai
đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất
ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng,
khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Việc triển
khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các Bộ,
ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị
đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa
phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ
lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Dịch vụ công trực
tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể
thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không
phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến
toàn trình. Để bước vào giai đoạn 3 là phát triển theo chiều sâu, cần tập trung
vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp,
mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Việc phổ cập dịch
vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục
vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan Nhà nước
có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn
thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm
vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số…
Tại hội nghị, các
đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong chuyển
đổi số quốc gia thời gian qua, như: Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến,
những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình
hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; nhìn nhận thẳng thắn những
thách thức, tồn tại, bất cập và chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng
thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc
đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến,
góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Phát biểu kết luận
hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Thủ khẳng định chuyển đổi số có
vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong
tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Thời gian tới, Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực
triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển
khai dịch vụ công trực tuyến; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế,
chính sách; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh số hóa hồ sơ,
kết quả giải quyết TTHC… Bên cạnh đó, phải tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển
hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc
gia thông suốt, hiệu quả; tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an
toàn, an ninh thông tin mạng; đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn,
hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Phạm Huệ