Hội nghị tư vấn chính sách tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế cho các tỉnh Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh
(binhthuan.gov.vn) Sáng 26/11/2024, Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tư vấn chính sách
với chủ đề “Giải pháp tăng cường chuyển đổi số
trong lĩnh vực y tế cho các tỉnh Lạng Sơn, Bình Thuận
và Tây Ninh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì hội nghị
tại điểm cầu Bình Thuận. Tham dự hội nghị có các
đại biểu: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận
Bích; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể
của tỉnh.
Hội nghị lần này nằm trong chương trình hợp tác của
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Hội Xã
hội học Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp
Quốc và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn
mạnh: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể
đảo ngược và yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh
tế. Chuyển đổi số sẽ cải thiện các dịch vụ phục
vụ người dân; trong đó có lĩnh vực y tế, đây là lĩnh
vực có tác động xã hội lớn, liên quan mật thiết tới
cuộc sống người dân, cần ưu tiên thực hiện.
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, kết quả khảo sát tại 03 tỉnh
cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã chứng
minh được tính hiệu quả, hữu ích giúp người dân được
thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian
chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, các cơ sở y tế trên địa
bàn các tỉnh được khảo sát còn gặp nhiều khó khăn
nhất định. Các kết quả từ cuộc nghiên cứu sẽ có
giá trị tham khảo đối với các địa phương có điều
kiện kinh tế, xã hội tương đồng.
Theo kết quả nghiên cứu “Trường hợp triển khai hồ
sơ sức khỏe điện tử tại các tỉnh Bình Thuận, Lạng
Sơn và Tây Ninh” được báo cáo hội nghị, các chuyên
gia đánh giá điểm mạnh của 03 tỉnh là chính quyền các
tỉnh đều quan tâm, có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện
chuyển đổi số y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử. Hạ
tầng internet của 03 tỉnh khá tốt so với nhiều địa
phương có cùng điều kiện về kinh tế - xã hội. Tuy
nhiên, điều kiện nhân lực và tài chính thực hiện ứng
dụng hồ sơ sức khỏe điện tử ở 03 tỉnh đều không
có dòng ngân sách đầu tư tài chính riêng cho chuyển đổi
số, mà chỉ có ngân sách từ dự án/đề án đầu tư
trang thiết bị CNTT. Trung tâm Y tế tuyến huyện tự chủ
tài chính, nên kinh phí còn nhiều khó khăn. Thu nhập cho
nhân viên CNTT trong các cơ sở y tế công lập thấp, không
thu hút được nhân lực. Phần mềm không phân biệt rõ
hồ sơ sức khỏe điện tử - sổ sức khỏe điện tử;
việc sử dụng 02 phần mềm khác nhau với người dân gây
lãng phí, bất cập. Nhân lực làm công nghệ thông tin
trong trạm xá, bệnh viện còn thiếu…
Kết quả nghiên cứu tại địa bàn Bình Thuận cho thấy,
các cơ sở khám chữa bệnh đều sử dụng quản lý bệnh
viện phần mềm (HIS), lưu giữ hình ảnh (PACS), xét nghiệm
(LIS). Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã triển khai
khám chữa bệnh dùng
thẻ căn cước công dân, thanh toán viện phí không
dùng tiền mặt. Các bệnh viện đều có sự kết nối
tối với hệ thống BHYT. Tuy nhiên, hồ sơ sức khỏe điện
tử được tạo lập từ 2019 nhưng không cập nhật thường
xuyên, không có con số chính xác về người dân có sổ
sức khỏe điện tử. Phần
lớn máy tính ở các trạm
y tế sử dụng
hơn 10 năm, cấu hình máy
tính thấp,
tốc độ xử lý chậm. KIOSK thông minh chưa được trang
bị. Hệ thống lưu trữ ảnh chưa liên thông giữa các
phần mềm, liên thông với tuyến trên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh
phát biểu tham luận tại hội nghị
Phát biểu tham luận tại hội nghị,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh, những
thông tin từ hội thảo lần này sẽ giúp các cơ quan, đơn
vị có liên quan và các địa phương hoạch định, triển
khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh
vực y tế.
Thông tin đến hội nghị về công tác
chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của địa phương,
lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: Ngày 18/3/2022, Tỉnh uỷ
Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về chuyển
đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, xác định lĩnh vực y tế là một trong các lĩnh
vực ưu tiên chuyển đổi số, với 04 định hướng: Phát
triển hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành y tế; Triển
khai sử dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe điện tử;
Xây dựng và phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa
bệnh từ xa ở các cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện
kết nối tuyến dưới với tuyến trên; Tăng cường sử
dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí
trong toàn dân thông qua môi trường mạng; xây dựng nền
tảng quản trị y tế thông minh toàn diện (khám, chữa
bệnh và phòng, chống dịch bệnh) dựa trên công nghệ
số. Căn cứ Nghị quyết này, UBND tỉnh đã xây dựng các
kế
hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp
để triển khai thực hiện; trên cơ sở các kế hoạch
của UBND tỉnh, ngành Y tế hàng năm đều xây dựng kế
hoạch triển khai hoạt động chuyển đổi số trong toàn
ngành. So với các tỉnh được nghiên cứu thì kết quả
của Bình Thuận còn khiêm tốn nhưng với sự nỗ lực và
quyết tâm, hiện nay Bình Thuận đạt được một số kết
quả nổi bật chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã nêu rõ
những kết quả trong công tác chuyển đổi số của ngành
y tế địa phương cũng như những hạn chế, thiếu sót
địa phương cần tập trung khắc phục trong thời gian
đến.
Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi
số trong lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề
xuất với hội nghị cần đẩy mạnh công tác truyền
thông, xây dựng hệ thống Big Data của toàn ngành y tế
trên phạm vi toàn quốc và đẩy mạnh ứng dụng AI trong
y học. Cụ thể, triển khai các chiến dịch trên phạm vi
toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của
chuyển đổi số trong y tế. Thường xuyên tổ chức tập
huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ
nhân viên y tế.
Xây dựng hệ thống Big Data của toàn
ngành y tế trên phạm vi toàn quốc để phục vụ lưu trữ
và chia sẻ, phân tích, dự báo. Trong đó, cho phép kết
nối dữ liệu giữa các bệnh viện và cơ sở y tế để
bác sĩ có thể truy cập thông tin bệnh nhân dễ dàng,
tiết kiệm thời gian. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng
AI để phân tích hình ảnh y khoa, chẩn đoán bệnh lý và
hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị; cung cấp
thông tin, hỗ trợ trả lời các câu hỏi của bệnh nhân;
phân tích, dự báo và phòng ngừa dịch bệnh thông qua
việc phân tích dữ liệu từ hệ thống Big Data./.
Hữu Tri