image banner
Họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 793


(binhthuan.gov.vn) Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh thời gian qua; triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Hồng Sỹ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận Bích; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh. Cuộc họp cũng được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị, thành ủy.

Trước đó, ngày 29/11/2024, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1973 thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Bích Liên, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: Trên cơ sở số liệu các huyện, thị xã, thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự kiến nguồn lực triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng số hộ có nhu cầu về xây dựng và sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh là 2.294 hộ, tổng kinh phí khoảng 112 tỷ đồng (tự cân đối cân đối kinh phí của cấp huyện khoảng 17,6 tỷ đồng; đề nghị cấp tỉnh bổ sung khoảng 95 tỷ đồng). Trong đó, số đủ điều kiện về đất ở để xây mới nhà ở là 863 hộ; sửa chữa nhà ở 891 hộ.

Nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng là 306 căn; cho hộ nghèo, hộ cận nghèo 1.879 căn; cho hộ khó khăn khác 109 hộ. Dự kiến thời gian thực hiện xây, sửa chữa nhà từ tháng 12 năm 2024 đến cuối năm 2025. Phương án phân bổ kinh phí thực hiện từ ngân sách tiết kiệm 5% chi thường xuyên, Quỹ vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và vận động xã hội hóa.

 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh; đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2025. Các đại biểu cũng cho ý kiến vào dự thảo Quyết định Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo; dự thảo thông báo phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo và Chương trình làm việc của Ban chỉ đạo.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đến cuối năm 2025 là hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình người có công với cách mạng thể hiện nghĩa cử cao đẹp, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cần phải ưu tiên triển khai thực hiện.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần sớm xây dựng Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công và xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó đối tượng là người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát và đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Các huyện, thị xã, thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo; tổ chức rà soát thống kê đầy đủ, chính xác Quỹ vì người nghèo và Quỹ đền ơn đáp nghĩa báo cáo tỉnh cân đối khả năng hỗ trợ; đồng thời rà soát lại số gia đình người có công đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, căn cứ tiêu chí về nhà tạm, nhà dột nát để rà soát lại trường hợp đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện, trên cơ sở đó xác định chính xác số hộ cần hỗ trợ.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đất đai có liên quan. Sở Tài chính xác định nguồn hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, rà soát khả năng cân đối ngân sách địa phương và nguồn khác mà địa phương huy động được, đề xuất phân khai hỗ trợ cho các địa phương và đề xuất tổ chức Lễ phát động nếu cần thiết. Sau khi nhận thông tin từ các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tổng hợp, làm rõ nhằm đảm bảo thông tin chặt chẽ, đồng bộ.

Về kinh phí hỗ trợ, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất phân bổ theo mức quy định của Chính phủ là xây mới 60 triệu đồng, sửa chữa 30 triệu đồng. Cùng với đó, các địa phương có thể vận động thêm công lao động, vật liệu xây dựng... trên tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1