Họp thảo luận Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030
(binhthuan.gov.vn) Sáng
ngày 09/6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì cuộc họp nghe Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án phát triển thanh long trên địa
bàn tỉnh đến năm 2030. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số Sở, ngành và địa
phương liên quan; Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp
chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh.
Mục
tiêu của Đề án là phát triển ổn định
diện tích trồng cây
thanh long, nâng cao giá trị, duy trì và phát huy thương hiệu thanh long Bình
Thuận. Phát triển thanh long theo hướng hữu cơ, du lịch trải nghiệm vườn thanh long; sản xuất đa
giá trị, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, bảo quản nông sản hiện đại, có
giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất
khẩu, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ
thể, đến năm 2030
diện tích cây thanh long của tỉnh ta là 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng
đạt 660.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp
tác, liên kết đạt khoảng 60%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) khoảng 75%.
Trên 4,16% diện tích thanh long sản xuất theo hướng hữu
cơ. Tỷ lệ diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 70%.
Đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu chính ngạch trái thanh long tăng bình quân khoảng 5%/năm. Đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ
thanh long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải
phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho rằng, Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh
đến năm 2030 được lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương rất
quan tâm. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh Đề án phát
triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 trình UBND tỉnh xem xét trong
tháng 6/2023. Trong đó, tập trung đánh giá hiện trạng cây thanh long hiện nay
trên địa bàn tỉnh về diện tích, giống, sản lượng, thị trường tiêu thụ, sâu bệnh
trên cây thanh long và thuốc trừ sâu, chế biến và các sản phẩm chế biến từ thanh
long.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu của Đề án. Để phát
triển cây thanh long trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ trong Đề án các giải pháp phát triển
giống thanh long ruột trắng, đỏ; phân vùng trồng; cụ thể hóa các nội dung chuyển
đổi số; hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thanh long; phát triển thị trường
truyền thống và thị trường mới… Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cần phát huy hơn
nữa vai trò đầu tàu để dẫn dắt, kết nối với doanh nghiệp; đồng thời, nắm bắt
nhu cầu thị trường tiêu thụ, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để có giải
pháp tuyên truyền, cảnh báo kịp thời.
Nguyễn Phương