(binhthuan.gov.vn) Chiều
28/4, tại kỳ họp thứ 34 (chuyên đề), đại biểu HĐND tỉnh (khóa XI), nhiệm kỳ
2021 - 2026 đã thảo luận tờ trình, báo cáo của UBND tỉnh, thống nhất biểu quyết
thông qua dự thảo Nghị quyết về thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC)
cấp xã của tỉnh Bình Thuận năm 2025.
Theo Nghị quyết, sau sắp xếp Bình
Thuận có 45 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 36 xã, 8 phường và 1 đặc khu (Phú
Quý); giảm 76 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ 62,80% (gồm 56 xã, 8 phường và 12 thị trấn).
Các phường, xã mới sau khi sắp xếp
đều đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo
quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp phù hợp với các yếu
tố lịch sử truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; phù hợp
theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội. UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành
chính cấp xã đúng theo quy định, được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ cao.
Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh
Bình Thuận cũng nêu rõ sau khi sắp xếp, các ĐVHC cấp xã sẽ củng cố kiện toàn
các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền
địa phương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ,
điều lệ của các tổ chức và hướng dẫn của bộ ngành Trung ương và hướng dẫn của
Ban Chỉ đạo Trung ương. Theo đó, HĐND cấp xã thành lập 2 ban chuyên môn giúp việc
là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh hiện có 2.825 đại biểu HĐND
cấp xã. Đại biểu HĐND ở các ĐVHC trước khi sắp xếp được hợp thành HĐND ở ĐVHC cấp
xã mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Về UBND cấp xã, số lượng, cơ cấu
thành viên UBND thực hiện theo quy định của Chính phủ. Dự kiến UBND cấp xã tổ
chức tối đa 04 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị,
nông thôn, hải đảo (đặc khu), gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế; Phòng
Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
Về thôn, khu phố tiếp tục được xác
định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước
mắt giữ nguyên thôn, khu phố hiện có; sau khi sắp xếp, các ĐVHC cấp xã tiến
hành sắp xếp, tổ chức lại các thôn, khu phố theo quy định, bảo đảm tinh gọn, phục
vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Chung đọc
tờ trình, dự thảo Nghị quyết về thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh
Bình Thuận năm 2025
Đề án cũng nêu rõ phương án và lộ
trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau
sắp xếp ĐVHC. Theo đó, dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 biên
chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể). Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có
để bố trí biên chế cấp xã (số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp huyện hiện
có là 767 biên chế). Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của
cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện việc rà
soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo trong thời hạn 5 năm cơ bản đúng theo quy định của
Chính phủ.
Ngoài ra, đối với người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã và thôn, khu phố. Kết thúc việc sử dụng người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 01/8/2025; giao chính quyền
địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, khu phố; thực hiện chính
sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố
trí công tác theo quy định. Giữ ổn định các chức danh người hoạt động không
chuyên trách ở thôn, khu phố hiện nay gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt
trận và Trưởng thôn, khu phố đến khi Trung ương có quy định mới.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp
chế HĐND tỉnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn hiện nay là
cần thiết, phù hợp với thực tiễn, nhằm giảm số lượng các đơn vị hành chính chưa
đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; kiện toàn hệ thống
chính trị, tinh gọn tổ chức, bộ máy ở cấp xã, mở rộng không gian phát triển;
đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động
hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND
tỉnh sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, chỉ đạo Sở Nội vụ hoàn thiện
ngay hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo
đúng kế hoạch, thời gian quy định. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên
truyền, vận động Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không
chuyên trách cấp xã nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chủ trương mới, sắp xếp,
xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã.
Tập trung giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng chịu sự tác
động do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định pháp luật hiện
hành.
TT Dân