Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước
(binhthuan.gov.vn) Sáng
26/4, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nghe báo
cáo kết quả rà soát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước chậm
triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu
Huy; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng dự và chủ trì tại điểm cầu
của tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Thế
Hanh - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 15/4/2025, trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận có 1.630 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu
tư khoảng 1.765.037 tỷ đồng. Trong đó, có 1.281 dự án đầu tư đã khai thác, vận
hành và hoạt động kinh doanh, chiếm tỷ lệ 78,28% (1.225 dự án đầu tư ngoài khu
công nghiệp và 56 dự án đầu thứ cấp trong các khu công nghiệp); 54 dự án đầu tư
đang triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 8,59% (41 dự án đầu tư ngoài khu công
nghiệp và 13 dự án đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp); 295 dự án đầu tư
chưa triển khai, chậm triển khai, chiếm tỷ lệ 13,13%.
Giám đốc Sở Tài chính cũng cho biết,
trong giai đoạn 2022 đến nay, Sở Tài chính (trước đây là Sở Kế hoạch và Đầu tư)
đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành kiểm tra, rà soát 271 dự án đầu tư. Qua
đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 129 dự án đầu tư, với tổng số tiền xử
phạt 10,795 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động đối với 59 dự án đầu tư, quyết định tạm
ngừng đối với 04 dự án đầu tư, đồng thời đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy
36 dự án đầu tư khởi công xây dựng và ghi nhận 33 dự án đầu tư đã hoạt động
kinh doanh. Bên cạnh đó, trong số các dự án đầu tư chưa triển khai có 49 dự án
đầu tư mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư kể từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/4/2025 vẫn còn tiến độ thực hiện, hiện các
nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường…
để thực hiện dự án đầu tư. Hiện toàn tỉnh còn 246 dự án đầu tư chưa triển khai,
chậm triển khai cần phải được rà soát, theo dõi và đề xuất biện pháp xử lý.



Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa
phương đã báo cáo kết quả rà soát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân
sách Nhà nước chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng thời gian qua, trong đó
nêu rõ nguyên nhân việc các dự án chậm triển khai chủ yếu do công tác lập quy
hoạch sử dụng đất, xây dựng và đô thị ở một số địa phương còn rất chậm; công
tác phối hợp, hỗ trợ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như
các bước tiếp theo sau khi chủ trương được thông qua, chưa được một số cơ quan,
địa phương quan tâm đầy đủ; việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai,
môi trường, xây dựng, lâm nghiệp, khoáng sản… còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn
một số nhà đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong triển khai
dự án; năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến
nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến môi trường đầu
tư chung.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch
UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh thời gian
qua, công tác rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh các dự án chậm triển khai, chậm đưa
đất vào sử dụng của tỉnh đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, kết quả đạt
được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở,
ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế, những nguyên nhân
khách quan và chủ quan, từ đó đề ra biện pháp tập trung tháo gỡ với tinh thần
quyết tâm, quyết liệt để các dự án sớm được triển khai đi vào hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở,
ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, triển khai có hiệu quả Công điện số
47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chủ động tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng
mắc cho các dự án theo đúng thẩm quyền và quy định. Cùng với đó, chủ động tự rà
soát nhiệm vụ được giao, các văn bản liên quan đến rà soát, tháo gỡ khó khăn
cho dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đến nay chưa thực hiện,
chưa báo cáo kết quả để khẩn trương, nghiêm túc thực hiện.
Các đơn vị, địa phương cần chủ động
xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát đối với các dự án đầu tư chưa triển khai hoặc
triển khai chậm. Đối với các dự án đầu tư có tác động nhưng chậm triển khai, Sở
Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát tiến độ xây dựng theo
giấy phép xây dựng đã cấp, xem xét, giải quyết gia hạn giấy phép xây dựng theo
thẩm quyền (nếu có). Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung xác định các trường
hợp không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận
bàn giao đất trên thực địa, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến
độ ghi trong dự án đầu tư để đề xuất xử lý theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý đối
với các dự án đầu tư chưa tác động. Theo đó, các dự án đầu tư đã được Nhà nước
giao đất, cho thuê đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần kiểm tra, trường hợp
nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng
đất chậm 24 tháng thì đề xuất hướng xử lý theo quy định, làm cơ sở để tiến hành
chấm dứt hoạt động dự án. Cùng với đó, phối hợp với Chi cục Thuế khu vực XV để
hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các nghĩa vụ thuế có liên quan. Đối với các dự
án đầu tư chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra tiến độ, năng lực của nhà đầu tư, rà
soát nguyên nhân cụ thể từng trường hợp, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với
các trường hợp đủ điều kiện chấm dứt hoạt động theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu
các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xác định giá đất, đầu tư đồng
bộ hạ tầng kỹ thuật. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần tăng cường
quản lý đất đai và giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư trên địa bàn. Chủ
động rà soát, có giải pháp giải quyết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư. Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành liên quan đến công
tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm tiến độ triển khai các dự án, đặc
biệt là các dự án trọng điểm.
TT Dân