Tình hình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện khí LNG
Lượt xem: 534

 

(binhthuan.gov.vn) Chiều ngày 24/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai và giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện khí LNG.

 

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải; lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

 

 

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận

 

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án Nhà máy nhiệt điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW, gồm 23 dự án; trong đó, Nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước có 10 dự án, Nhà máy nhiệt điện khí LNG có 13 dự án. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện đầu tư các dự án còn rất chậm; một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư; có 03 dự án là Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

 

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã báo cáo, cập nhật tình hình triển khai đầu tư xây dựng của từng dự án nhiệt điện khí LNG trên địa bàn; đồng thời, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

 

Ở tỉnh Bình Thuận, có 02 dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG là Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với tổng công suất là 4.500MW được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ I. Cụ thể, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, có tổng công suất 2.250 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao cho Tổ hợp 04 đơn vị (Công ty Electricite de France SA - Pháp, Công ty Kyushu Electric Power Co. Inc - Nhật, Sojizt Corporation - Nhật, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương - Việt Nam) làm Chủ đầu tư năm 2018 và được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2021, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD; dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II, có tổng công suất 2.250 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Tập đoàn AES của Hoa Kỳ làm Chủ đầu tư năm 2019 và được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2022, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Dự kiến các dự án này sẽ chính thức vận hành năm 2027 - 2029.

 

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho biết, 02 dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận hiện đang trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương về việc đẩy nhanh triển khai các dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG, UBND tỉnh đã giao các Sở, ban, ngành, UBND huyện Hàm Tân khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng; đồng thời, đề nghị Chủ đầu tư chuỗi dự án điện khí xây dựng tiến độ cụ thể, cam kết triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án kho Cảng Sơn Mỹ. Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; cơ chế đảm bảo đầu tư; sớm giao đường dây truyền tải điện 500kV/220kV đấu nối từ Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện Quốc gia cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia - Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ đầu tư.

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải gấp rút trình Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo trước năm 2029 các dự án điện khí tại Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Thuận được phát điện thương mại.

 

Đối với các tỉnh, thành phố đã lựa chọn được nhà đầu tư, hiện nay đang triển khai xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân... chủ động giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị các tỉnh báo cáo Chính phủ, báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, báo cáo với Bộ Công Thương để hỗ trợ giải quyết.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, căn cứ vào kế hoạch, tiến độ báo cáo của Chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền phải giám sát, đôn đốc, kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với các Chủ đầu tư nếu để chậm tiến độ nhiều lần. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Chủ đầu tư tập trung cao độ để triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phản ánh, báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và với Bộ Công Thương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời giải quyết.

 

Nguyễn Phương

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1