UBND 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông trao đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội

(binhthuan.gov.vn) Chiều 15/5, UBND 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm
Đồng, Đắk Nông tổ chức họp trực tuyến trao đổi về
định hướng phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh.
Các đồng chí: Đỗ Hữu Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Thuận, Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng,
Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đồng chủ
trì. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên
quan của 3 tỉnh; lãnh đạo Viện Kinh tế - Xã hội và
Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.



Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo
Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường trình bày dự thảo
khái quát những định hướng lớn về phát triển kinh tế
- xã hội tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm
Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận và những giải pháp
trọng tâm để phát triển tỉnh Lâm Đồng trong thời
gian đến. Đồng thời, thảo luận, cho ý kiến về kế
hoạch tổ chức Hội thảo về những định hướng phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới trong giai
đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo. Dự kiến chương
trình tổ chức vào đầu tháng 6/2025 tại tỉnh Lâm Đồng
với sự tham gia của khoảng 250 đại biểu là lãnh đạo
3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông cùng một số
nhà khoa học, trí thức, chuyên gia kinh tế, khoa học,
chiến lược hàng đầu của Việt Nam; các doanh nghiệp
nhà đầu tư lớn trên các lĩnh vực. Kết quả nghiên cứu
của hội thảo sẽ làm cơ sở lý luận và thực tiễn để
xây dựng Văn kiện đại hội đảng bộ tỉnh Lâm Đồng
giai đoạn 2025-2030 và các Nghị quyết chuyên đề.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Đỗ Hữu Huy đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh
Lâm Đồng trong việc phối hợp với chuyên gia Viện Kinh
tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh trong xây dựng báo cáo định hướng phát
triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Chủ tịch UBND
tỉnh cơ bản đồng tình, thống nhất với các nội dung
do tổ chuyên gia trình bày, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội
dung cần tiếp tục trao đổi, đề nghị tổ chuyên gia
sớm chuẩn bị, hoàn thiện dự thảo để tham gia ý kiến;
trong đó, cần đưa ra chỉ tiêu làm sao tăng trưởng trên
2 con số, tỷ trọng 3 trụ cột kinh tế để đạt được
mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị căn cứ vào Quy hoạch
tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để
phác thảo nội dung phù hợp; cần cân nhắc thêm yếu tố
khu vực Bình Thuận là cực phát triển lớn, lưu ý thêm
về phát triển kinh tế biển, cảng biển, đây là điều
kiện để liên kết phát triển, cũng như xuất khẩu hàng
hóa ra bên ngoài. Bình Thuận cũng có nguồn tài nguyên
khoáng sản titan lớn nhất cả nước, các khu công nghiệp
lớn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới
cần đẩy mạnh khai thác, chế biến sâu và thu hút các
nhà đầu tư ở các lĩnh vực này. Chủ tịch UBND tỉnh
cũng khẳng định: Bình Thuận sẵn sàng bắt tay ngay chuẩn
bị các công việc có liên quan, chủ động phối hợp với
chuyên gia trong việc khảo sát để xây dựng nội dung đảm
bảo chất lượng.
Sau sáp nhập, Lâm Đồng mới trở thành tỉnh có diện
tích lớn nhất nước, mở ra nhiều cơ hội phát triển
mới. Địa phương có địa hình đa dạng, tạo lợi thế
phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và biển đảo.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là thế
mạnh; cùng với đó là tiềm năng lớn về khai khoáng,
năng lượng và công nghiệp chế biến, đặc biệt là bô
- xít, titan và năng lượng tái tạo. Với những lợi thế
trên, tỉnh Lâm Đồng mới hứa hẹn trở thành trung tâm
kinh tế đa ngành, góp phần vào sự phát triển chung của
khu vực và cả nước.
TT Dân