UBND tỉnh họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024
(binhthuan.gov.vn) Sáng
11/11, UBND tỉnh họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an
ninh năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; dự toán thu, chi ngân
sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025 và phương án phân bổ chi ngân sách tỉnh
năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó
Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành. Cuộc họp được kết nối trực tuyến
với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Năm 2024, Bình Thuận triển khai kế
hoạch kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên
cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân, nhìn chung
tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, tình hình thực hiện dự
toán thu - chi ngân sách Nhà nước đạt khá, nhiều mặt chuyển biến tiến bộ. Ước
thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng
sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt 7,0%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp
(IIP) năm 2024 tăng 10,2% so với năm 2023. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải,
xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt. Du lịch phát triển ổn định, ước
năm 2024, toàn tỉnh đón 9,68 triệu lượt khách, đạt 101,36% kế hoạch, tăng
15,91% so với năm 2023; doanh thu hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng, đạt 100,12%
kế hoạch, tăng 14,44%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,24%. Sản xuất nông nghiệp
duy trì ổn định. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến
độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là tiến độ thực hiện
các công trình trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh. Đến ngày 24/10/2024, giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt 46,4% so
với kế hoạch. Công tác thu ngân sách Nhà nước triển khai tích cực; tổng thu
ngân sách Nhà nước năm 2024 ước thực hiện 10.015 tỷ đồng, đạt 100,15% dự toán
năm. Chi ngân sách đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu chi lương và hoạt động thường
xuyên của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, chi đầu tư phát triển;
chi cho các nhiệm vụ trọng tâm; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, triển
khai thực hiện đầy đủ, quyết liệt nhiệm vụ cải cách hành chính và chủ đề năm 2024
của tỉnh về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh
nghiệp”; chỉ đạo giải quyết các nội dung tồn đọng, kéo dài, những vấn đề bức
xúc nổi lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức
khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm,
thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Các chính sách an
sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người
nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập
trung thảo luận, nêu lên những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn vướng
mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân kế hoạch đầu
tư công và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đại biểu cho rằng, dù đạt
được những kết quả tích cực, tuy nhiên, tăng trưởng GRDP của tỉnh chưa đạt mục
tiêu đề ra, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Thu ngân sách còn nhiều khó khăn. Việc
huy động các nguồn lực phát triển 3 trụ cột kinh tế vẫn còn hạn chế. Công tác đền
bù, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Các đại biểu cũng
đã tập trung phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực hiện năm 2025, đặc
biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, chi đầu
tư trong cân đối ngân sách địa phương; sản lượng nuôi trồng thủy sản, tôm giống;
việc đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư,
triển khai các dự án ngoài ngân sách.
Ghi nhận những kết quả đạt được
trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh
Đoàn Anh Dũng cũng chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế cần quan tâm, khắc phục
trong thời gian tới như: Kết quả tăng trưởng GRDP của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề
ra; thu ngân sách mặc dù có cố gắng nhưng còn nhiều khó khăn, nguồn thu không ổn
định; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm; tiến độ triển khai các dự án ngoài
ngân sách còn chậm, kéo dài; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt thấp
so với bình quân chung cả nước… Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Chủ tịch UBND
tỉnh cho rằng một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu
vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tham mưu xử lý một số công
việc chưa kịp thời, chưa đạt yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm
vụ đã giao chưa quyết liệt. Công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn hạn
chế, hiệu quả chưa cao.
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất
quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026
và chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra,
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương,
nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, tập trung các nguồn lực, khai thác tối đa cơ hội để
bứt phá vươn lên, phấn đấu hoàn thành từng nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất.
Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng
cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung
công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách Nhà
nước.
Liên quan đến công tác thu ngân
sách, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị điều hành ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, tiết
kiệm hiệu quả, đúng quy định, trước mắt thực hiện hoàn thành đạt và vượt chỉ
tiêu thu ngân sách đề ra; tập trung rà soát các nguồn thu, phân loại nguồn thu
để có giải pháp kế hoạch, chủ động trong công tác thu; khẩn trương xác định giá
đất cụ thể, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất sạch...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tập
trung công tác giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt trong công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm,
có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đẩy
nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy
nhanh công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch, nhất là quy hoạch chung và phân
khu; chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện đồng bộ các giải
pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh; cùng với đó, tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân
dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.
TT Dân