Huyện Tánh Linh làm tốt công tác xã hội hoá giống lúa và liên kết sản xuất
(binhthuan.gov.vn)
Theo báo cáo của UBND huyện Tánh Linh, tổng diện tích gieo trồng trong vụ Đông
Xuân năm (2024 – 2025) của huyện là 10.993 ha, đạt 100,38% kế hoạch vụ; sản lượng
lương thực ước đạt 75.084 tấn, đạt 101,83% kế hoạch vụ, tăng 348 tấn so với
cùng kỳ năm trước. Trong đó, cây lúa gieo trồng được 9.162 ha/ 8.900 ha, đạt
102,94% kế hoạch vụ; ước năng suất lúa bình quân đạt 75 tạ/ha, sản lượng 68.726
tấn.
Để phát triển
ngành nông nghiệp, nhất là cây lúa, trong những năm qua UBND huyện Tánh Linh đã
triển khai nhiều giải pháp nhằm xã hội hoá giống lúa và liên kết sản xuất để
nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thu nhập ổn định cho người dân trồng lúa. Trong
vụ Đông Xuân năm (2024 – 2025), diện tích xã hội hóa giống lúa của toàn huyện
đã thực hiện đạt khoảng 188 ha, trong đó: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời
liên kết với người dân và các Hợp tác xã để sản xuất giống lúa là 59 ha ( Xã
Huy Khiêm 15 ha; Nghị Đức 13,5 ha; Đồng Kho 12 ha; Gia An 12,5 ha; La Ngâu 6
ha); diện tích còn lại người dân liên kết với các Hợp tác xã để sản xuất lúa giống
OM4900, OM5451, ML202 với diện tích là 129 ha.
Bên cạnh đó,
UBND huyện Tánh Linh còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực
hiện dự án liên kết Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Gia An triển khai vụ
Đông Xuân (2024 – 2025) với quy mô liên kết 128,8 ha/65 hộ, trong đó có 55 hộ
là thành viên Hợp tác xã. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Bình tiếp tục liên
kết với các hộ dân duy trì ổn định diện tích lúa liên kết trên 60 ha sản xuất
theo tiêu chuẩn VietGAP; trong năm 2024, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức
Bình có 02 sản phẩm là Gạo Đức Lan ST25 và Gạo lứt Đức Lan ST25 được UBND tỉnh
đánh giá, công nhận 4 sao cấp tỉnh.

Các xã, phường
cũng liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất lúa quy mô cánh
đồng lớn gắn với vùng lúa chất lượng cao trên 5.000 ha, trong đó: Xã Đức Phú
300 ha, Nghị Đức 600 ha, Măng Tố 500 ha, Bắc Ruộng 800 ha, Huy Khiêm 500 ha, Đồng
Kho 400 ha, La Ngâu 10 ha, Đức Bình 400 ha, Đức Thuận 200 ha, Lạc Tánh 800 ha
và Gia An 1.000 ha. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh liên kết với doanh
nghiệp Khánh Tâm sản xuất 80 ha nếp đen, năng suất ước đạt 70 tạ/ha, giá nếp
tươi thu mua tại ruộng theo hợp đồng 8.500 đồng/kg. Tiếp tục duy trì xây dựng
các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh
Linh” diện tích 79 ha.
Trung tâm Khuyến
nông tỉnh phối hợp hỗ trợ thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, cánh đồng
không dấu chân và sản xuất theo hướng VietGap với tổng diện tích 60,8 ha. Cụ thể,
mô hình khảo nghiệm giống lúa OM18, OM3380, VN98 với diện tích là 2,8 ha tại xã
Măng Tố, hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn đòng trổ; mô hình cánh đồng không
dấu chân quy mô 15 ha tại xã Gia An, trong đó có 10 ha khảo nghiệm giống lúa mới
và 5 ha sản xuất theo hướng VietGap; mô hình cánh đồng không dấu chân quy mô 15
ha tại xã Đức Phú, trong đó có khảo nghiệm giống lúa mới 5 ha; mô hình cánh đồng
không dấu chân quy mô 20 ha tại xã Đồng Kho, 10 ha tại xã Bắc Ruộng. Từ nguồn vốn
năm 2024 của Trung ương, UBND huyện Tánh Linh còn thực hiện mô hình hỗ trợ canh
tác lúa cải tiến, với diện tích 27 ha tại thị trấn Lạc Tánh; mô hình hỗ trợ
phân bón hữu cơ vi sinh cho diện tích lúa xây dựng cánh đồng lớn tại xã Huy
Khiêm là 411,5 ha.
Ông Nguyễn Hữu
Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, trong vụ Hè Thu năm 2025, địa
phương tiếp tục xuống giống những diện tích nằm ở các chân ruộng thấp, sau khi
thu hoạch xong lúa vụ Đông xuân (2024 - 2025) để lách lũ. Sử dụng các giống lúa
xác nhận và hợp pháp để sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật,
công nghệ, như: Sạ thưa, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo phương pháp
cải tiến SRI, trong đó tập trung sử dụng các phân hữu cơ để cải tạo nâng cao chất
lượng đất trồng lúa. Sản xuất theo hướng cánh đồng lớn để tạo điều kiện liên kết
sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Tập trung củng cố các Hợp tác xã
và hình thành các Tổ hợp tác để đứng ra liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đối
với các diện tích nằm ngoài cánh đồng lớn.
Thực hiện nạo
vét hệ thống thủy lợi đầu mối để đảm bảo cung cấp nước vào mùa khô và tiêu
thoát nước vào mùa mưa. Xem xét chuyển đổi một số diện tích đất lúa có điều kiện
để bố trí cây trồng khác nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất, có đầu ra ổn định. Nhân
rộng các mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) ở những xã đã được xây dựng mô
hình như xã Đức Bình, Bắc Ruộng, Đồng Kho, Đức Phú, Gia An...
Nguyễn Phương