Vốn tín dụng chính sách – Điểm tựa vững chắc cho người dân phát triển kinh tế

(binhthuan.gov.vn) Thời
gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã La Gi đã
tích cực giải ngân nguồn vốn chương
trình Hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm (cho vay giải quyết việc làm)
cho người dân trên địa bàn. Nhờ nguồn vốn này, nhiều gia đình có thêm điều
kiện đầu tư mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao chất lượng cuộc
sống.
Ông Phạm Công Liêm – Giám
đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã La Gi cho biết: Xác định chính sách tín dụng
ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang tính
thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh
trên địa bàn thị xã. Thời gian qua, NHCSXH thị xã luôn chủ động phối hợp với
UBND các xã, phường, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công
tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng
tiếp cận vốn vay một cách nhanh nhất có thể. Tính đến 31/10/2023 tổng nguồn vốn
của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã La Gi đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so
với năm 2022, tốc độ tăng 11,7 %. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 319 tỷ đồng;
nguồn vốn địa phương là 15 tỷ đồng; nguồn vốn huy động là 65 tỷ đồng. Tổng dư nợ
là 398,5 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với đầu năm 2022, tốc độ tăng 11,8 %.
Ông Liêm cho biết thêm,
hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, NHCSXH thị xã thực hiện
linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc
thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động
có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên xuất ngũ, phụ nữ khởi nghiệp có phương án
sản xuất kinh doanh phù hợp... Chính từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp
phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, là "điểm tựa"
không thể thiếu của người dân trên con đường tăng thu nhập để cải thiện đời sống.


Điển hình phải kể đến đó
là mô hình đúc chậu cây cảnh của ông
Nguyễn Văn Mỹ ở thôn Bình An 2, xã Tân Bình, thị xã La Gi.
Ông Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ: Trước đây khi còn làm nông tôi nhận thấy nhu cầu của thị trường
về chậu cây cảnh rất lớn, tuy nhiên không có kinh nghiệm lẫn vốn đầu tư. May mắn
vào 2019, gia đình được vay 50 triệu đồng từ
NHCSXH thị xã La Gi, cộng với số tiền tích góp được nên đã mạnh dạn đi học hỏi kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị
để mở cơ sở đúc chậu cây cảnh.
Xưởng của ông Mỹ đúc chậu
quanh năm, nhưng bán chạy nhất là vào dịp trước và sau Tết. Trước kia, chậu cây
cảnh làm bằng xi măng được các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng dùng để trồng và
chăm sóc cây. Nhưng hiện nay, khách hàng ưa chuộng chậu đúc bằng xi măng bên
trong có lõi sắt thép để chịu lực, độ bền cao, có hoa văn, họa tiết đặc sắc. Vì
thế, cơ sở sản xuất đa dạng các loại chậu, mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng,
từ chậu tròn, lục giác, bát giác đến hình chữ nhật, bầu dục….
Ông Mỹ tâm sự nhờ có nguồn
vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thị xã La Gi mà đời sống kinh tế của gia đình đã ổn định;
qua đó, góp phần nhỏ vào giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Theo
đó, hàng ngày, xưởng ông có 4 lao động làm việc thường xuyên, đến mùa Tết thì từ
khoảng 6 - 8 lao động. Ngoài đúc
chậu ông còn bán thêm đất và phân bón cho hoa, cây cảnh để nâng cao thu nhập
cho gia đình.
Những thợ làm chậu tại cơ sở ông Mỹ được trả công theo sản phẩm,
với mức thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày (tuỳ vào công việc). Đối với việc
sơn chậu đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và tỉ mỉ, biết cách phối màu sắc để tô
điểm cho chậu vừa nổi bật vừa bền đẹp.
Hiện nay, cơ sở của ông
đúc chậu với nhiều kích thước, mẫu mã, kiểu dáng, nhỏ nhất là 60cm và lớn nhất
trên 1m. Giá bán dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi chậu.
Hàng năm, ông Mỹ xuất bán khoảng hơn 2.000 chậu các loại cho người trồng hoa,
nhiều nhất là dịp cận Tết.
Ông Phạm Công Liêm - Giám
đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã La Gi khẳng định: Thời gian tới, Phòng giao dịch
NHCSXH thị xã sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của
thị xã để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp
tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, nhất là ưu tiên cho các
hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển kinh tế, tạo
việc làm, cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống cho người dân…
Phạm Huệ