
(binhthuan.gov.vn)
Rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc
sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của thuốc lá điện tử, thuốc lá
nung nóng.
Những năm
gần đây tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử
(Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco
Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu,
kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng
cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phần
này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với
giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia
tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Theo điều
tra tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử
trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng
thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học
sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới hiện nay có
khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử,
trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện
về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Hiện đang
có một bộ phận giới trẻ nhận định sai lầm về thuốc lá thế hệ mới và cho rằng,
sản phẩm này ít độc hại hơn thuốc lá điếu truyền thống. Nhưng thực tế thì ngược
lại, bởi theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thuốc lá thế hệ
mới vẫn chứa chất nicotine, thậm chí các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một số
chất độc như: Formaldehyde, Acetaldehyde, Hydrocarbons… có nguy cơ gây nhiều
loại bệnh tật, tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Qua phân
tích, các chất kim loại như niken và chì, cũng được phát hiện ở mức độ cao hơn
so với khói thuốc lá truyền thống. Những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này nếu
sử dụng lâu dài còn gây ra bệnh về tim mạch, đột quỵ, hô hấp, viêm phổi cấp và
ung thư. Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn gây thương tích do bộ phận điện tử (pin)
phát nổ là những tác hại không xảy ra ở thuốc lá điếu truyền thống nhưng lại
xuất hiện ở thuốc lá thế hệ mới.
Qua phản
ánh của các cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy
gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và
các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại như điếu thuốc
lá thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh
các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Thực tế
cho thấy, nhiều đối tượng đã có hành vi sử dụng tinh dầu cần sa (CBD) để trộn
vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa
hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần
sa, cho cảm giác “phê”). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải
trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp. Ngoài ra, khi chế tạo, các đối tượng còn pha
thêm chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp. Vì chất ma tuý này không màu, không mùi,
lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết
được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có
chất ma tuý.
Để lôi
kéo người sử dụng, ban đầu các đối tượng cho người sử dụng dùng thử như thuốc
lá điện tử thông thường, để lôi kéo. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu
cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn.../.
Hữu Tri