Phát triển thói quen đọc sách của học sinh ở cấp tiểu học thông qua chương trình Thư viện thân thiện
(binhthuan.gov.vn) Bình Thuận luôn quan tâm đến giáo dục và chủ động trong học hỏi, tham khảo, áp dụng phương pháp và chương trình đổi mới tích cực trong giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Với công tác thư viện, Bình Thuận đã biết đến chương trình Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read khi đi tham quan ở các tỉnh bạn – nơi đã triển khai dự án của Room to Read.
Chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học nhằm phát triển thói quen đọc sách của học sinh ở cấp tiểu học để giúp các em trở thành người đọc độc lập thông qua các hoạt động đọc sách tại chỗ, mượn trả sách về nhà, tổ chức các tiết đọc thư viện và hỗ trợ tài liệu đọc chất lượng phù hợp với độ tuổi và trình độ đọc của học sinh.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương triển khai chương trình Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read, như huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh và thành phố Phan Thiết. Riêng tại thành phố Phan Thiết phải kể đến là Trường Tiểu học Xuân An và Trường Tiểu học Phong Nẫm. Đây là hai trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai mô hình Thư viện thân thiện và được đưa vào hoạt động trong năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, tại Trường Tiểu học Xuân an đã đưa Thư viện thân thiện vào tiết học chính khóa, một tháng dạy 2 tiết/lớp theo kế hoạch dạy học của nhà trường. Theo đó, tiết đọc thư viện của các lớp được triển khai đúng thời khóa biểu, có giáo viên giảng dạy. Ngoài ra, còn có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng, có cán bộ thư viện chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn về kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện trước khi triển khai hoạt động này.
Đặc biệt, trong năm học mới này, nhà trường được Tổ chức Room to Read hỗ trợ về chuyên môn cũng như hỗ trợ nhiều đầu sách để xây dựng Thư viện thân thiện. Theo đó, Thư viện thân thiện có nhiều khác biệt so với thư viện truyền thống như được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Sách được trưng bày trên kệ, được phân loại theo trình độ đọc của học sinh và được dán mã màu. Cùng với đó, Thư viện thân thiện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo... khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách và phát huy tính sáng tạo của các em. Hiện thư viện có 2.465 bản sách, trong đó sách tham khảo có 841 bản, sách nghiệp vụ có 334 bản, sách giáo khoa có 634 bản, sách Room to Read 656 bản.
Còn tại Trường Tiểu học Phong Nẫm, với không gian rộng rãi, sách được bố trí hợp lý nên các em thoải mái lựa chọn quyển sách mình yêu thích rồi say xưa đọc trong tư thế thoải mái nhất. Số em khác thì tìm đến các góc hoạt động như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo để được đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của mình...
Cũng giống Trường Tiểu học Xuân An, Trường Tiểu học Phong Nẫm sắp xếp mô hình Thư viện thân thiện theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng. Trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm giáo dục... Đặc biệt, nhà trường có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Theo đó, tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu; có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp.
Với hiệu quả do mô hình Thư viện thân thiện mang lại, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với tổ chức Room to Read tiếp tục nhân rộng đến các trường tiểu học khác trong tỉnh. Từ việc triển khai thí điểm ở 5 địa phương trong tỉnh với 10 trường tiểu học trong năm học 2022 - 2023 thì đến năm học 2023 - 2024 nhân rộng đến 9 địa phương/25 trường tiểu học triển khai mô hình này.
Thời gian tới, để thực hiện tốt mô hình Thư viện thân thiện, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp với tổ chức Room to Read tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thiết lập, quản lý thư viện và tổ chức các hoạt động thư viện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thư viện; hỗ trợ các trường thiết lập thư viện thân thiện, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hỗ trợ giám sát và tư vấn nghiệp vụ thư viện…. Qua đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện trường tiểu học thông qua việc tổ chức hoạt động đọc ngay tại trường nhằm hình thành thói quen đọc sách cho các em.
Phạm Huệ