Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, Hợp tác xã khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm
(binhthuan.gov.vn) Hiện nay, trên thị trường hàng giả, hàng nhái với
chất lượng không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng là nỗi lo của hàng
triệu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, theo xu thế phát triển của thị trường, người
tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng cao nơi doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm nhằm
bảo vệ lợi ích và sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu
cũng đòi hỏi phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Nhận thức rõ việc truy xuất nguồn gốc
sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc
biệt là với hàng hóa nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống
truy xuất nguồn gốc. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 752/KH-UBND ngày
03/3/2020 để thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất
nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển
khai áp dụng và phổ biến những tiêu chuẩn Quốc gia, quy chuẩn Quốc gia về hệ thống
truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các
giải pháp, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Triển khai thực hiện các quy
định đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm phải thực hiện truy xuất nguồn
gốc sản phẩm. Hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã về quy trình thực hiện truy
xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp và Hợp tác
xã trên địa bàn tỉnh đã sản xuất sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và dán
tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay là
một giải pháp giúp cho người tiêu dùng tìm hiểu các thông tin nguồn gốc xuất xứ
của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ
hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận đã có rất nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã làm tốt việc xây dựng thương hiệu
sản phẩm của mình trên thị trường gắn với việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản
phẩm, như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, các sản phẩm hải sản của Công ty TTHH Hải
Nam, nước mắm Phan Thiết… Cụ thể, khi mua một trái thanh long của Hợp tác xã
Hòa Lệ thì người tiêu dùng sẽ truy xuất được những thông tin theo chuỗi như
trái thanh long này được sản xuất từ lô nào, do đơn vị nào sản xuất, bón phân
gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, do đơn vị nào sản xuất, có giấy chứng
nhận gì... hay những thông tin giao dịch về ngày thu hoạch, sản xuất, đóng gói,
hạn sử dụng... Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với
con số rõ ràng.
Có thể thấy, các doanh nghiệp, Hợp tác
xã sản xuất ra sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương
hiệu, nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, Hợp tác xã mình. Tăng tính cạnh tranh,
kích thích người tiêu dùng mua hàng. Tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Là nền tảng
để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế. Bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng
nhái ra khỏi thị trường Việt Nam.
Nguyễn Phương