(binhthuan.gov.vn) Chương
trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là chương trình OCOP) nhằm mục tiêu phát
triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có chất lượng, có sức cạnh tranh, góp phần
xây dựng nông thôn mới. Ở Bình Thuận, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên
phong phú và văn hóa đa dạng, chương trình OCOP giai đoạn từ năm 2019 đến năm
2024 đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và
thu nhập cho người dân.
Bình Thuận bắt đầu triển khai thực
hiện năm 2019, tuy có chậm hơn một số tỉnh, thành trên cả nước, nhưng số lượng
sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn từ năm 2019 - 2021 là 70 sản phẩm. Trong giai
đoạn mới, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg về phê
duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã triển
khai Kế hoạch để thực hiện chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu
đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80 đến 130 sản phẩm
OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Môi trường
(trước đây là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tham mưu cho UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP với chỉ tiêu hàng năm
phát triển từ 15 đến 20 sản phẩm OCOP mới.
Hình thành sản phẩm đặc trưng
Đến cuối năm 2024, Bình Thuận có
196 sản phẩm OCOP tăng 126 sản phẩm so với giai đoạn 2019-2021, trong đó, có 17
sản phẩm OCOP 4 sao và 179 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh là
những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng như: Nước mắm, sản phẩm chế biến từ thanh
long, sản phẩm chế biến từ hải sản. Đặc biệt, thời gian gần đây, có thêm một số
sản phẩm mới như: Gạo hữu cơ, sản phẩm từ yến, dưa lưới, hạt điều, sầu riêng.

Sau khi có chứng nhận đạt sao
OCOP, các sản phẩm được tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức trên các
phương tiện thông tin truyền thông và hoạt động xúc tiến thương mại. Từ các
chương trình, nhiều chủ thể có hợp đồng cung cấp và thị trường tiêu thụ, vì vậy
duy trì, ổn định sản xuất. Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại
sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc
tế. Nếu như trước đây, thị trường quen thuộc là các địa phương lân cận và một số
tỉnh, thành phía Nam, giờ đây những sản phẩm OCOP Bình Thuận được tiêu thụ mạnh
tại các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhất là sản phẩm: Nước mắm,
nước ép thanh long, yến, hạt điều rang muối, hải sản chế biến. Một số sản phẩm
xuất khẩu như: thanh long tươi, rong nho, nước mắm, thủy hải khô/ đông lạnh và
chế biến sẵn.
Không cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước,
nhiều chủ thể tâm huyết với chương trình OCOP đã chủ động nâng cao chất lượng để
nâng hạng hoặc duy trì sao OCOP sản phẩm của mình. Trong số đó, phải kể đến Hợp
tác xã thanh long Hàm Minh 30, huyện Hàm Thuận Nam có hai sản phẩm thanh long
ruột trắng và thanh long ruột đỏ được tái cấp chứng nhận OCOP bốn sao. Hợp tác
xã nông nghiệp Đức Bình, huyện Tánh Linh trước đây có hai sản phẩm gạo hữu cơ
được công nhận OCOP 3 sao, thì đến năm 2024, đơn vị tiếp tục đăng ký Gạo trắng
ST25 và Gạo lứt ST 25 được xét duyệt thành công sản phẩm OCOP 4 sao. Đặc biệt, Hợp
tác xã thanh long sạch Hòa Lệ, huyện Hàm Thuận Bắc mặc dù hoạt động chưa lâu
nhưng đến nay đã có 17 sản phẩm từ trái thanh long tươi đến các sản phẩm chế biến
từ thanh long được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó, 7 sản phẩm được tôn
vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận và cấp khu vực.
Thêm sản phẩm du lịch chứng nhận
sao OCOP
Phát triển du lịch nông thôn gắn với
sản phẩm OCOP không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp,
cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa
phương… Giai đoạn 2021-2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã
xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình OCOP, trong đó đưa vào kế hoạch hỗ trợ,
tư vấn các sản phẩm du lịch trở thành sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí ban hành
kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Là khu du lịch đầu tiên được chứng
nhận sao OCOP, Du lịch sinh thái Bàu Trắng U&ME đã lựa chọn và thành công với
hướng đi riêng. Ông Trần Minh Triển - Giám đốc Khu du lịch Bàu Trắng U&ME,
huyện Bắc Bình, người sáng lập du khu lịch. Là người con của vùng đất Hòa Thắng,
năm 2019, anh khởi nghiệp mô hình cho thuê ván trượt cát, nhận thấy vùng đất
Bàu Trắng đầy tiềm năng với những đồi cát trắng mịn màng và hồ nước ngọt tự
nhiên như viên ngọc sáng giữa lòng sa mạc, ba năm sau đó, anh và những người bạn
kết nối với nhau hình thành khu du lịch Bàu Trắng U&ME.
Du khách đến đây không chỉ chiêm
ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của cát trắng nắng vàng mà còn có cơ hội trải nghiệm những
hoạt động đầy thú vị như cưỡi lạc đà dạo quanh những triền cát, tham quan các
chuyến Jeep tour và mô tô địa hình để khám phá sâu hơn vẻ đẹp hoang sơ của sa mạc.
Khu du lịch Bàu Trắng U&ME đã được UBND huyện Bắc Bình xét duyệt công nhận
OCOP 3 sao năm 2024.
Tích cực đồng hành, hỗ trợ quảng
bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Bằng nhiều giải pháp, thời gian
qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã tích cực đồng hành, hỗ trợ quảng bá và tiêu
thụ sản phẩm OCOP. Đặc biệt, đồng hành hỗ trợ các chủ thể OCOP áp dụng chuyển đổi
số trong khâu quảng bá, tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai Cẩm nang điện tử về sản phẩm
OCOP. Sở Công thương hỗ trợ 54 cơ sở có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp
nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia phần mềm “Truy xuất
nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc
trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” tại địa chỉ:
https://truyxuatsanphambinhthuan.vn. Nhờ chuyển đổi số các sản phẩm OCOP Bình
Thuận đã tiếp cận được thị trường tiêu dùng trên toàn quốc, tạo nền tảng vững
chắc để vươn ra quốc tế.

Sản phẩm OCOP có bước tiến về chất
lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện quy định về tem, nhãn mác,
truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản
xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của chương trình OCOP nên hăng hái tham
gia, từ đó sản phẩm OCOP Bình Thuận có chiều hướng tăng lên. Để mở rộng thị trường
và tiếp cận người tiêu dùng, các sở ngành liên quan phối hợp hỗ trợ đưa sản phẩm
OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận hoặc mở rộng kênh
tiêu thụ sản phẩm như tham gia các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki,
Tiktok shop hay mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, nâng cao
thương hiệu và tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp.
Có thể thấy, sau 6 năm thực hiện,
chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với
xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới;
phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sản
phẩm OCOP đã từng bước khai thác, phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa
và giá trị truyền thống của địa phương.
TT Dân